Cửa hàng của người Việt ở Nouméa
CôngThương - Kỳ 1: chuyện ở Tân đảo
Với tôi, tới Nouméa ngoài lý do thăm anh chị, còn là những kỷ niệm tuổi thơ, chơi với mấy cậu bạn gốc Tân Đảo về nước lúc nào cũng áo chẽn, quần loe, giày mõm ngóe, đầu xoăn tít đi xe đạp Peugeot mận chín. Còn tôi áo trắng 8/3, quần xanh chéo Nam Định, được mua bằng 2 kỳ phiếu vải 5m, thời bao cấp phân phối.
Vậy, có dịp thuận tiện phải sang tận nơi cho biết.
Khoảng hơn hai giờ, máy bay hãng hàng không Quantas của Úc đã hạ cánh xuống Nouméa. Gọi là cảng hàng không quốc tế nhưng không to hơn sân bay Buôn Mê Thuột ở Tây Nguyên. Sân bay vắng hoe, cứ từng chuyến đến rồi đi trong ngày.
Anh chị tôi trên đường về nhà cho biết, Nouvelle Calédonie là lãnh thổ thuộc Pháp, còn được gọi là Tân Đảo, nằm trong khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, diện tích hơn 18.500 km2, dân số hơn 250.000 người. Nouméa là thành phố lớn nhất. Năm 1853, vùng đảo này được sáp nhập vào Pháp để “chạy đua” với người Anh lúc này đã thu nạp Úc và NewZealand.
Cũng giống như người Anh dùng xứ Úc để lưu đày tội phạm, Pháp cũng đã chuyển 22.000 tù nhân sang khai lập Nouvelle Calédonie từ năm 1864 đến 1922. Cộng thêm một số thường dân Pháp và phu mỏ châu Á, chủ yếu từ Việt Nam, đa số làm nghề khai thác mỏ niken (Nouvelle - Calédonie có trữ lượng Niken lớn), khai thác trầm hương và xuất khẩu đi làm phu ở Úc.
Thời đó, thổ dân gốc da đen giảm mạnh vì bệnh dịch hoành hành và chính sách cai trị hà khắc nhằm củng cố địa vị độc tôn của người da trắng. Kể từ năm 1980, phong trào đòi độc lập gia tăng, đòi thành lập nước Kanaky đã buộc Pháp phải tăng quyền tự trị cho Nouvelle Calédonie. Lúc này, tuy là lãnh thổ hải ngoại của Pháp nhưng có nhiều điểm gần giống một quốc gia độc lập. Dân gốc Việt chỉ chiếm 1,5%, thổ dân da đen chiếm 42%, gốc châu Âu 37%...
Từ sân bay vào thành phố Nouméa hơn 42 km, đường đẹp, xe chạy bon nhanh, thi thoảng mới gặp đường ngoằn ngoèo. Xe vượt qua trùng điệp rừng và đồi cỏ mênh mông, những đàn bò sữa gặm cỏ, thanh bình và nên thơ. Nhưng Nouméa vẫn phải nhập thịt bò Úc, ăn mềm hơn bò xứ này nuôi tự do nên thịt dai. Anh chị tôi nói vậy.
Gần thành phố, xuất hiện những khu nhà cao tầng mới xây, đẹp, hiện đại. Tôi đoán là các căn hộ cao cấp, bán giá cao như ở ta. Nhưng không phải, đây là khu nhà Chính phủ Pháp tài trợ xây dựng cho những người thổ dân da đen vào ở. Nhưng khu nhà đẹp, hiện đại ấy vẫn không hấp dẫn được thổ dân bằng tiếng gọi của núi rừng, cách sống hoang dã, hòa quyện với thiên nhiên, hàng ngàn đời đã ngấm vào màu thịt.
Hàng tháng, Chính phủ trợ cấp thất nghiệp hơn 1.000 USD/người, những thổ dân da đen nhận lương xong là tiêu ngay, tiêu bằng hết không để dành. Không quen biết cũng gọi uống bia, mời rượu, ăn thịt cá nướng. Tay cầm lon bia hoặc chai rượu, tay kia cầm con cá khô, hoặc thịt nướng, cứ thế uống, ăn, nhảy giữa trời nắng gắt. Đến chiều còn tiền là đi mua quần áo cho mình và cả nhà. Say quá, thì đánh nhau, đánh cả cảnh sát. Thế họ không sợ cảnh sát bắt, đi tù? Tôi tò mò hỏi. Chị tôi cười, họ thích đi tù. Xử tội 6 tháng, xin thêm 1 năm. Vì sao? Vào tù, quần áo có người giặt, thích ăn gì thì kêu, lạnh có lò sưởi, nóng có điều hòa. Mới đây, nhà tù phải trang bị cả ti vi cho từng phòng vì tù nhân kiện sang tận chính quốc không có ti vi xem. Thích gặp vợ thì đăng ký…
Nhiều ưu đãi thế, nên họ không sợ pháp luật. Chả trách, ngày mới sang, anh chị tôi mở nhà hàng bán đồ ăn nhanh, nhưng bị thổ dân da đen quấy quá. Luật ở đây nếu đánh nhau trong nhà không sao, nhưng chạy ra ngoài phố mà đánh nhau là phạm luật. Nhẹ phạt tiền, nặng thì đi tù.
Mới sang anh chị tôi không nắm rõ, chạy đuổi theo ra tận ngoài đường, đánh với theo, hụt nhiều hơn trúng. Cảnh sát bắt, ngồi ở đồn mấy ngày, chạy tiền nộp phạt để được tha. Sợ quá, đành dẹp tiệm. Nhà nuôi chó, chủ đi làm cả ngày về đến nhà là mừng cứ sủa vang. Chủ mệt muốn nghỉ, đánh mấy roi cho hết sủa. Hàng xóm biết, báo cảnh sát (bên này đánh chó cũng phạm luật) thế là lại đến đồn ngồi chờ nộp phạt. Về đến nhà, đuổi chó đi luôn, không dám nuôi nữa. Chị kể chuyện thế thôi nhưng cũng ca ngợi “thổ dân” hết lời. Đánh nhau thế nhưng hôm sau tỉnh rượu là biết đến xin lỗi, sai gì cũng làm.
Quần áo may cho họ thì không cần số đo, cứ rộng, dài thùng thình, in hoa lòe loẹt là bán được. Đồ ăn không cần ngon, chỉ cần nhiều, cuối buổi còn thừa vài con cá nướng, bảo họ mua, xong ngay. Tay cầm non bia, đút cá vào túi quần ra đường “nhảy” đầu lắc lư, mãn nguyện lắm.
Tính của thổ dân da đen như vậy nên người Việt Nam mới có điều kiện làm giàu. Chị tôi kết luận.