Bà Thanh Hằng và bác sĩ người Mỹ chuyên về công nghệ Thermage, ông Reza Torchizy.
CôngThương - Gặp chị Đặng Thanh Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Hằng, ít ai nghĩ rằng người đàn bà nhỏ nhắn, có nụ cười buồn đã gần xấp xỉ tuổi 50. Dường như, những bươn trải trên thương trường, thất bại trong đường đời không để lại dấu vết trên khuôn mặt người đàn bà không tuổi này. Chị tâm sự đối với người phụ nữ, bất cứ làm gì, ở đâu, cuộc sống vất vả thế nào cũng cần phải yêu bản thân, có quyền được làm đẹp. "Bạn có thể ra đường với chiếc áo giá vài đôla nhưng gương mặt vẫn cần toát lên thần thái, dễ chịu", chị chia sẻ.
Quan niệm rằng "đẹp nhân tạo, hơn xấu tự nhiên" nên bất cứ ai hỏi bí quyết giữ gìn nhan sắc, chị không ngần ngại chia sẻ nhờ vào các phương pháp trị liệu, cách thức chăm sóc da mặt đến tỉ mỉ, chi tiết, đã giúp chị duy trì tuổi xuân.
Chị Đặng Thanh Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Hằng. |
Sinh ra trong gia đình Hà Nội gốc, nên nếp sống thanh lịch của người Tràng An đã thấm vào cách ăn, cách mặc của Hằng từ nhỏ. Thời bao cấp, nhà nào cũng chỉ mong đủ ăn đủ mặc, không mấy người nghĩ đến việc làm đẹp cho bản thân. Thế nhưng, ngay thời điểm đó, chị đã đọc tiểu thuyết, xem phim, tìm tòi thông tin rồi tự vẽ ra cho mình một viễn cảnh không xa rằng một ngày nào đó, chị em phụ nữ Việt ra đường sẽ có làn da trắng hồng, sắc môi đỏ thắm.
Khát vọng ấy đã ngấm vào máu Hằng và rồi trở thành cái nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, chị không hài lòng với công việc bàn giấy trong cơ quan Nhà nước mà tách ra kinh doanh. Lúc bấy giờ, cha mẹ, anh em họ hàng và cả chồng cũng khuyên chị nên hài lòng với cuộc sống bình dị như bao chị em phụ nữ khác chứ không nên dấn thân vào thương trường. "Cũng do dự, cũng đấu tranh tư tưởng ghê gớm lắm, cuối cùng, tôi vẫn quyết 'đi buôn', bởi không mạo hiểm sao thực hiện được ước mơ mình ấp ủ từ tấm bé", Hằng tâm sự.
Nghĩ là làm, chị quyết định vay vốn ngân hàng để mở shop mỹ phẩm thời trang đầu tiên ở Hà Nội, khi vừa bước sang tuổi 23. Vào những năm 90, mỹ phẩm còn khá xa lạ ngay cả với những cô gái thuộc gia đình khá giả ở Hà Thành. Những ai mạnh dạn lắm cũng chỉ dám mua cho mình cây chì đen, thỏi son gió và phấn trang điểm hiệu Con Én. Thế nhưng, lúc ấy, chị lại nghĩ: khi kinh tế phát triển, đời sống xã hội nâng lên, con người không phải lo lắng nhiều về cái ăn, cái mặc, làm đẹp sẽ trở thành nhu cầu cao hơn bao giờ hết. Khi đó, con người không chỉ muốn đẹp mà cái đẹp ấy cần phải gắn với sự an toàn.
Nghĩ vậy, nên ngay từ khi quyết định lập nghiệp, Hằng đã đề cho mình một triết lý: "Không làm thì thôi, còn đã làm phải là phải đặt chất lượng, uy tín lên hàng đầu". Thế là, chị quyết định dốc toàn bộ vốn liếng để nhập lô hàng mỹ phẩm ngoại cao cấp đầu tiên. "Lúc đó, nhiều người nói tôi mạo hiểm khi nhập một thỏi son trị giá cả một tạ thóc về bán mà chưa biết khi nào thu được lợi nhuận. Còn tôi chỉ tin rằng cứ làm việc, kinh doanh bằng cái tâm, vận may đến chẳng mấy chốc", chị nhớ lại.
May mắn đã mỉm cười với chị. Cửa hàng nhỏ chỉ 3m2 của chị tấp nập khách ra vào, lượng hàng tiêu thụ cũng ngày một tăng lên. Sau đúng 8 năm, Hằng không chỉ thu hồi được vốn mà còn trả được nợ gốc cho quyết định đầy mạo hiểm của mình.
Thương vụ đầu tiên thành công này khiến chị tin rằng lựa chọn của mình là đúng. Chị bắt đầu nghĩ đến chiến lược kinh doanh dài hơi hơn ở đất Hà Thành những năm đầu đổi mới.
Hằng nhớ lại, khi nhìn tấm ảnh cưới của bố mẹ, chị tự đặt câu hỏi: Nếu được khoác trên mình chiếc váy cưới trắng tinh khôi, chắc mẹ sẽ nổi bật lắm. Hỏi để rồi chị tự trả lời rằng: Lễ cưới là sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời mỗi người, vì vậy, trong ngày cưới, bất luận thế nào, cô dâu phải là người đẹp nhất, rạng ngời nhất và hạnh phúc nhất. Nghĩ là làm, chưa đầy một tuần, 2 cửa hàng Ảnh Viện Hong Kong và Tiệm áo cưới Thanh Hằng liên tiếp ra đời. Đây được coi là nơi mà các cặp tình nhân tìm đến mỗi mùa cưới.
Vào cuối thập niên 90, Hà Nội hầu như không có tiệm áo cưới ngoại. Các mẫu váy đều bồng bềnh, nhiều chi tiết, kín cổ cao tường và thiên về gam xanh, hồng. Hằng lặn lội sang Mỹ, Hong Kong, Đài Loan… học hỏi xu hướng thời trang thế giới. Và, chị đã đưa những chiếc váy voan trắng đơn giản mà tinh tế của các "cô dâu ngoại" về Việt Nam. Không chỉ vậy, chị còn lặn lội khắp nơi, hết trong Nam, ngoài Bắc để tuyển chọn thợ trang điểm với một triết lý: bất luận trang điểm kiểu gì thì vẫn phải đảm bảo giữ được nét đẹp tự nhiên.
Thời kỳ đầu, tiệm áo cưới của chị chỉ vỏn vẹn 3 nhân viên, trong đó, chị vừa là chủ vừa kiêm luôn thợ trang điểm. Sau khoảng 10 năm, con số này đã lên hơn 200. Vào mùa cưới, mỗi ngày 3 tiệm áo cưới, chụp hình của chị tiếp đến 300 cô dâu, doanh số hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng.
Bước sang tuổi 46, ai cũng nghĩ chị sẽ hài lòng với kết quả đạt được, ấy vậy mà, bất ngờ chị lại tuyên bố rót 2 triệu đôla để đầu tư vào viện chăm sóc sắc đẹp Beauty Medi Skin clinic & Spa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí, chị còn cất công sang tận Mỹ để mời bác sĩ Tây có thâm niên kinh nghiệm thẩm mỹ để làm đẹp cho chị em Việt. Có người nói chị điên khi đầu tư vào lĩnh vực mà ở Việt Nam gần như đã bão hòa với quá nhiều trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp mở ra.
Chỉ mình chị biết bất cứ quyết định nào của chị cũng có nguyên do. Hằng từng thất bại trong cuộc hôn nhân của mình, chính vì mải mê công việc mà quên mất việc phải làm đẹp cho bản thân. "Hôn nhân của tôi đứng bên bờ vực, và khi đối mặt với sự cô đơn, buồn chán nhất, tôi đã sang Mỹ, Hàn Quốc rồi quay về Thái Lan kéo dài nhiều ngày. Tôi nhận ra rằng quá nhiều người Việt phải sang tận nước ngoài để tu sửa sắc đẹp. Lúc đó, câu hỏi lóe lên trong đầu là: tại sao Việt Nam có nhiều trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp vậy mà người Việt vẫn phải đi nước ngoài", chị kể.
Gần 3 năm đau đáu với câu hỏi này, chị quyết định nhập máy móc thiết bị hiện đại nhất, mời chuyên gia có tay nghề hàng đầu ở Mỹ, Hàn Quốc về đầu quân cho trung tâm Beauty Medi Skin clinic & Spa ở phố Bùi Thị Xuân. Tôn chỉ mục đích mà chị đề ra là đẹp tự nhiên chứ không phải nhờ đến dao kéo, phẫu thuật. "Công nghệ hiện đại cho phép chị em kéo dài tuổi xuân chứ không phải cắt xẻo đau đớn như nhiều người vẫn quan niệm. Từ lâu, chúng tôi đã áp dụng phương pháp Thermage vào phác đồ chăm sóc da. Phương pháp này kích thích da sản sinh ra collagen một cách tự nhiên, sau 4-6 tháng, giúp duy trì làn da chắc khỏe, trắng sáng", chị chia sẻ.
Làm đẹp là lĩnh vực mạo hiểm không cho phép sai sót. Vì thế, khi quyết định lấn sân sang lĩnh vực này, chị không tiếc tiền khi bỏ ra hàng tỷ đồng để nhập thiết bị, máy móc về để đảm bảo an toàn nhất cho khách hàng.
Hiện, mỗi ngày trung tâm của chị tiếp nhận hàng trăm lượt khách đến tư vấn, làm đẹp. Trong đó, không ít những tên tuổi nổi tiếng trong giới showbiz như Mỹ Linh, Thanh Lam, Diễm My, NSND Lê Khanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng... Khách hàng của chị mỗi năm tăng thêm 40%. Trong đó, 75% khách đến là do bạn bè đã làm hài lòng giới thiệu. Doanh thu từ đó cũng không ngừng tăng lên.
Chẳng có thời gian để ngồi đếm những thành công đạt được, những thất bại đã trải qua, lúc mệt mỏi, Hằng có thói quen ngồi thu mình ở một góc nào đó trong quán café, hoặc ngồi trong phòng nghe nhạc. Với chị, nước mắt không giải quyết được vấn đề buồn đau của con người nên khi gặp cú sốc về tình cảm, chị đã dồn toàn bộ thời gian cho công việc. Mỗi thời điểm chị lại nghĩ ra nhiều kiểu kinh doanh khác nhau nhưng bất luận ý tưởng nào của chị cũng xoay quanh chữ "Đẹp". "Tôi đã dành nửa cuộc đời chỉ vì chữ đẹp. Phần đời còn lại, tôi sẽ dồn toàn bộ tâm huyết của mình để định nghĩa trọn vẹn chữ đẹp và chia sẻ điều đó cho tất cả mọi người", chị nói.