Nữ “Doanh nhân vàng” xứ Huế
- Tâm sự về những ngày đầu bước chân vào làm cô mậu dịch viên, chị Hương cho biết, nhiều lần nộp đơn xin việc ở nhiều nơi bị từ chối chị đã được HTX mua bán Thuận Thành ngày ấy nhận vào làm. Công việc đầu tiên của chị là là bán theo mùa, mùa hè thì kem, đá lạnh... mùa đông thì bán rau, bán sắn, khoai lang…, hết thì chuyển sang quầy thực phẩm dưa, cà, mắm, muối..., rồi bán hàng công nghệ phẩm, quầy bông vải sợi đến thủ quỹ... Bất cứ ở cương vị công tác nào, chị Hương luôn tận tụy với công việc và tinh thần cầu tiến. Với tấm bằng đại học và nhiều chứng chỉ, bằng cấp về chuyên môn, nghiệp vụ khác trong tay chị Hương luôn cho rằng “chưa đủ” mà phải học kinh nghiệm từ thực tế kinh doanh và những người đi trước.
Mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của cô mậu dịch viên Lê Thị Hương là vào năm 1990, thời điểm khắc nghiệt nhất khi chuyển đổi cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với hàng loạt HTX mua bán bị tan rã. Chị Hương được đưa vào Ban chủ nhiệm cùng chung vai gánh HTX mua bán Thuận Thành đang trên đà xuống dốc và bên bờ vực phá sản khi liên doanh xuất khẩu gỗ ở Điện Bàn bị đổ vỡ, hàng tồn kho bị ứ đọng, biên chế giảm còn một nửa, cán bộ không có lương. Trên vai cô lúc đó chỉ có két bạc không còn một đồng cắc, kho hàng trống rỗng, bị đòi nợ liên tục.
Không thể để HTX trở thành đơn vị 5 không, cả ban chủ nhiệm tính kế làm ăn lâu dài. Ngân hàng không cho vay thì cả ban chủ nhiệm dùng nhà mình thế chấp. Thấy chủ nhiệm hi sinh vì việc chung, toàn thể cán bộ công nhân của HTX đồng sức đồng lòng ủng hộ tiếp sức, người cho vay tiền, vàng… Cứ như thế, HTX mua bán Thuận Thành đã được vực dậy, kinh doanh ngày một phát đạt. Từ không ai dám làm đại lý mua bán, nhiều công ty, xí nghiệp quay lưng thì chỉ mấy năm sau, HTX Thuận thành đã có một hệ thống khách hàng làm vệ tinh tiêu thụ hàng hóa trên 1.000 đại lý.
Mạnh bạo hơn, năm 2005, HTX Thương mại dịch vụ Thuận Thành đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động siêu thị đầu tiên tại Huế và sau đó là Siêu thị thứ 2 ở Khu quy hoạch Kiểm Huệ và đến năm 2010 là siêu thị thứ 3 ở Thuận An cùng hàng loạt căng tin ở tất cả các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà. Biến HTX từ 5 không ở thời kỳ năm 1990 đến nay đã trở thành 5 có, đưa Thuận Thành Mart trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường hiện nay.
Phải nói rằng, từ sự đoàn kết của HTX, trong đó có công lớn của “Nữ doanh nhân vàng” Lê Thị Hương, HTX Thuận thành đã thành công trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, HTX có gần 1.300 xã viên. Tổng số cán bộ quản lý và lao động trực tiếp tại HTX là 460 người, với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Từ con số âm năm 1990 đến năm 2006, tổng số vốn tự có tăng lên gần 13 tỷ đồng, đến năm 2011 là gần 17 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ 161 tỷ đồng năm 2006 đến 2011 tăng lên 340 tỷ đồng. Mạng lưới kinh doanh được mở rộng với hơn 1.500 đại lý lớn nhỏ trên khắp địa bàn trong và ngoài tỉnh; HTX có 5 điểm bán lẻ, giá bán ra luôn luôn thấp hơn thị trường.
Đặc biệt, HTX đã tổ chức tổ chức dạy nghề cho trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất trên 400 em, dạy nghề dệt thêu ren cho chị em phụ nữ thuộc dân tộc thiểu số ở huyện A lưới và tiêu thụ sản phẩm cho họ để họ có thể tăng thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân tộc. Hiện nay, chị đang đeo đuổi dự ánTrung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn trẻ mồ côi, người khuyết tật và đào tạo nghề tại Xã Hương Thọ - Hương Trà – TT Huế với diện tích là 51862,6 m2. Đây là dự án mang tính chất từ thiện xã hội, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Với những thành tích đó, HTX Thương mại dịch vụ Thuận Thành đã được Chủ tịch nước trao tặng các Huân chương Lao động Hạng Ba, Hạng Nhì và Huân chương Lao động Hạng Nhất cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương. Liên tục nhiều năm HTX được nhận Cờ Thi đua dẫn đầu của ngành HTX Thương mại dịch vụ, năm 2009 nhận được cúp Thương hiệu do người tiêu dùng bình chọn; năm 2010 được Bộ Công Thương trao tặng giải Thương mại- Dịch vụ Việt Nam và nhiều danh hiệu cao quý khác. Riêng chị Hương từ 2003 – 2009 được Bộ Thương Mại tặng Huy chương Vì Sự Nghiệp Ngành Thương Mại, Liên Minh HTX Việt Nam tặng Huy chương Vì Sự Nghiệp HTX và nhiều bằng khen của UBND Tỉnh, Liên minh HTX VN, LĐLĐ Tỉnh, UBND Thành phố. Đặc biệt, được Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam trao tặng giải thưởng Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2009 - Cúp Bông Hồng Vàng. Hiện nay, HTX Thương mại dịch vụ Thuận Thành do nữ “Doanh nhân vàng” Lê Thị Hương lèo lái đang chuẩn bị những bước đi tiếp theo để đạt danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” trong vài năm đến.
Trần Minh Tích