Ô nhiễm môi trường lao động: Gia tăng người mắc bệnh bụi phổi
- Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường làm việc trong nhiều ngành sản xuất, nhất là các cơ sở vừa và nhỏ chưa đáp ứng điều kiện an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đến an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và bảo vệ môi trường đã có nhưng chưa đồng bộ, thậm chí nhiều văn bản đã lạc hậu; hệ thống quản lý ATVSLĐ vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo giữa cơ quan quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và các tổ chức đoàn thể…
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Lê Vân Trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia bảo hộ lao động Việt Nam, hàng năm, các cơ sở sản xuất đều phải đánh giá tác động môi trường lao động và báo cáo các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các số liệu này thường không đầy đủ và thiếu chính xác.
Thời gian qua, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động được giao quan trắc và phân tích môi trường lao động cho hàng trăm cơ sở sản xuất, đã đưa ra bức tranh chân thực toàn cảnh môi trường Việt Nam gây tác động tới sức khỏe, an toàn người lao động.
Kết quả điều tra khảo sát 1.036 doanh nghiệp (giai đoạn 2006-2010) cho thấy, có tới 30-68% doanh nghiệp bị ô nhiễm môi trường lao động, nhiều nhất là ô nhiễm nhiệt, tiếp theo là bụi, hơi khí độc, ồn rung. Về sức khỏe bệnh tật, trong số 1 triệu người lao động khám sức khỏe năm 2010 có 30,26% mắc bệnh đường hô hấp; 12,86% bị bệnh cơ xương khớp; 58.000 người lao động được khám bệnh nghề nghiệp và có 7.900 người được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp (chiếm 13,8%), trong đó, bệnh bụi phổi (silicosis) 67,5% và điếc nghề nghiệp 16,6%.
Để cải thiện môi trường và giảm thiểu bệnh nghề nghiệp, theo ông Trình, cần hoàn thiện các công cụ pháp lý, đó là các văn bản pháp luật và hệ thống quản lý ATVSLĐ phù hợp thực tế; thiết lập các loại phí như: xử phạt hành chính, xây dựng các mức thuế cho các thiết bị công nghệ có mức độ nguy hại khác nhau; Nhà nước cần có các khoản hỗ trợ, cho vay ưu đãi phục vụ đầu tư các hệ thống ATVSLĐ và bảo vệ môi trường, công nghệ sạch…; đẩy mạnh các công cụ hỗ trợ: tuyên truyền, huấn luyện và nâng cao nhận thức về ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; xây dựng chương trình hành động quốc gia về ATVSLĐ là nền tảng cho các ngành, các cấp, địa phương, cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, áp dụng những biện pháp về tổ chức quản lý khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các biện pháp với hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
P.V