Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng 44%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6, xuất khẩu gạo ước đạt 650.000 tấn, thu về 416 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn, tương ứng với giá trị kim ngạch 2,98 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của xuất khẩu gạo Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 636 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023 - là tín hiệu mừng khi xuất khẩu gạo không chỉ tăng về số lượng mà còn giá bán.
Tân Long khẳng định rằng không trúng thầu trực tiếp bất cứ lô hàng nào của Bulog |
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, nhiều thị trường Top 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Philippines tăng 12% (đạt hơn 1,9 triệu tấn); Indonesia tăng 44% (gần 709.000 tấn); Malaysia tăng 134% (gần 458.000 tấn); Cuba tăng 287% (gần 147.000 tấn); Singapore tăng 44% (91.000 tấn). Một số thị trường cao cấp như: Mỹ cũng tăng 4% (17.000 tấn); Australia tăng 13% (16.500 tấn); Canada tăng 2% (7.200 tấn). Đặc biệt, trong Top 30 thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam có sự tăng trưởng 4 con số là Libya tăng 9.513% (đạt hơn 20.000 tấn) và Ukraine tăng 3.856% (hơn 10.000 tấn).
Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu có giá bán cao hơn bình quân, như: Brunei đạt 959 USD/tấn, Mỹ 868 USD/tấn, Hà Lan 857 USD/tấn, Ukraine 847 USD/tấn, Iraq 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...
Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia tiếp tục sẽ có thuận lợi khi nhu cầu nhập khẩu gạo vừa được Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia nước này cập nhật dự báo sẽ tăng thêm lên 5,18 triệu tấn trong cả năm 2024 thay vì số lượng 3,6 triệu tấn Chính phủ đã cấp giấy phép nhập khẩu.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi trước việc Cơ quan hậu cần quốc gia - Bulog (Cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia - KPU.
Có 2 cáo buộc được tổ chức này đưa ra gồm: Thứ nhất nghi ngờ liên quan tới tham nhũng thông qua việc thổi phồng, cộng giá vào giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam; Thứ hai, cáo buộc liên quan tới việc gạo nhập khẩu bị tồn ứ ở cảng Tanjung Priok (bị bốc dỡ chậm) khiến phát sinh chi phí phạt bốc dỡ chậm, làm gia tăng giá gạo.
Theo tính toán của tổ chức dân sự này “tổn thất của nhà nước từ hành vi tham nhũng này có thể lên tới 2 nghìn tỷ Rupi. Tổn thất này được tính toán dựa trên chênh lệch giá chào bán của một công ty Việt Nam, mức giá chênh tới 82 USD/tấn. Nếu tỷ giá chỉ tính là 15.000 Rp/usd, mức chênh lệch là 180,4 triệu USD. Với số lượng gạo chúng ta nhập khẩu là 2,2 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, thì con số chênh lệch là 2 nghìn tỷ Rupi. Giá chênh lệch mà tổ chức này đưa ra là tham chiếu giá chào của một công ty Việt Nam là Tập đoàn Tân Long, một trong những công ty được cho là đã tham gia vào quá trình cung ứng gạo nhập khẩu.
Liên quan gì đến Tân Long Group?
Trước cáo buộc của People's Democracy Study (SDR), Cơ quan hậu cần Quốc gia đã bác bỏ cáo buộc Tập đoàn Tân Long của Việt Nam. Cụ thể, Tân Long đã chào giá gạo, nhưng thực sự đã không có bất cứ bản chào giá thầu chính thức nào kể từ khi mở thầu năm 2024 đến nay của Bulog. Tập đoàn này không có hợp đồng nhập khẩu gạo nào với chúng tôi trong năm nay”. “Bulog là nạn nhân của báo cáo không có cơ sở này, nhằm tạo dư luận xấu”. Theo Bulog, Tập đoàn Tân Long đã đăng ký là một trong những đối tác của Bulog nhưng chưa từng chào giá gạo cho Bulog trong năm 2024.
Giám đốc Chuỗi cung ứng và Dịch vụ công của Perum Bulog Mokhamad Suyamto cho biết, cáo buộc tăng giá bắt đầu xuất hiện khi một công ty Việt Nam là Tập đoàn Tân Long chào bán 100.000 tấn gạo với giá 538 USD/tấn nhân chuyến thăm nhà máy xay xát của Tập đoàn này trong dịp Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia sang Việt Nam trong tháng 5/2024.
Ông Suyamto cũng cho biết, Perum Bulog hiện được Bộ Thương mại giao nhiệm vụ nhập khẩu gạo với khối lượng 3,6 triệu tấn vào năm 2024. Trong giai đoạn từ tháng 1- 5/2024, số lượng nhập khẩu đã lên tới 2,2 triệu tấn.
Liên quan tới thông tin trên, trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long (TLG) - cho biết: "Trong lịch sử mở thầu gạo của Bulog, và từ năm 2023 đến nay, chúng tôi chỉ trúng duy nhất một lô 30.000 tấn gạo thông qua Posco (Hàn Quốc), và không trúng trực tiếp bất cứ lô hàng nào của Bulog".
Gói thầu 30.000 tấn này Tập đoàn Tân Long trúng với mức giá 620 USD/tấn. Thời điểm trúng thầu vào tầm tháng 1/2024 (trước Tết), giao hàng từ 25/2-15/3. Nhưng thực tế qua tháng 4 mới giao hàng do phía Bulog yêu cầu, lý do vì phía bên cảng Indonesia bị ùn tắc không dỡ hàng kịp. Sau khi giao hàng xong, tính ra lô này Tân Long có hiệu quả tốt.
Ông Trương Sỹ Bá thông tin thêm, trong tháng 6 này, Bulog chưa mở thầu mua thêm gạo, một phần quan trọng là vì họ kỳ vọng khi vào chính vụ Hè Thu ở đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo sẽ giảm tiếp, và phần khác là do cảng của họ ùn tắc nhiều chưa dỡ kịp các lô hàng đi trong tháng 4, 5 nên phát sinh nhiều chi phí phạt tàu.
Nhắc tới gói thầu đợt 22/5 do Bulog thông báo Lộc Trời cùng công ty thành viên trúng thầu 100.000 tấn gạo, ông Bá cho biết, tại gói thầu này, Tân Long chào giá cao hơn 15 USD/tấn, nên không trúng thầu.
Cụ thể, ngày 19/5, ông Andi Amran Sulaiman, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia qua thăm Việt Nam, sau đó có đến thăm nhà máy gạo của Tân Long ở Cần Thơ, và nhà máy gạo Hạnh Phúc ở An Giang, lúc đó Tân Long có bàn chào bán 100 tấn gạo, giá 538 USD/tấn, giá FOB. Tuy nhiên, khi so sánh với giá của doanh nghiệp khác họ thấy giá của TLG chào cao hơn nên Tân Long không trúng.
Theo ông Trương Sỹ Bá, giá các doanh nghiệp trúng đợt thầu đó, đến nay họ mua xuất đi vẫn có hiệu quả. Quan trọng là nếu đợt đó Việt Nam không trúng thầu thì nay giá gạo trong nước sẽ tụt dốc không phanh, chính nhờ có các gói thầu này nên bây giờ thị trường mới có sức mua vào.
Việc Cơ quan Lương thực quốc gia và Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia bị khiếu kiện lên Ủy ban tham nhũng quốc gia nước này liên quan tới cáo buộc tham nhũng từ việc mua gạo từ Việt Nam (cho dù đang trong quá trình điều tra) được nhận định có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những thông tin làm rõ từ chính người trong cuộc sẽ giúp bảo vệ thương hiệu và giá trị ngành hàng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam không chỉ tại thị trường Indonesia mà trên trường quốc tế.