PC Bình Định: Đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương
Tỉnh Bình Địnhđang hoàn thiện quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung; kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến chế tạo; dịch vụ du lịch; logistics và vận tải; nông nghiệp công nghệ cao; đô thị hóa. Bình Định phát triển tất cả lĩnh vực, lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Trong sự định hướng phát triển của địa phương, với vai trò “điện đi trước một bước” của mình, PC Bình Định đã, đang và sẽ tiếp tục nhiệm vụ đi đầu để mở đường cho các ngành, lĩnh vực phát triển, góp phần đắc lực cùng với chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân trong toàn tỉnh.
Nhà máy đèn Quy Nhơn sau ngày giải phóng 31/3/1975 |
Điện đi trước một bước - mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội
Sau 46 năm ngày thành lập (ngày 8/12/1976), đến nay Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) đang quản lý vận hành 548,55km đường dây 110kV; 3.033,7km đường dây trung áp 22, 35kV; 4.324,4km đường dây hạ áp 0,4kV; 15 TBA 110kV với công suất đặt 889MVA; 4.617 TBA phân phối với tổng dung lượng 1.676 MVA, để cấp điện cho trên 470 ngàn khách hàng trên địa bàn tỉnh.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, điện thương phẩm thực hiện 2.221,28 triệu kWh, tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó lượng điện thương phẩm cấp cho công nghiệp - xây dựng đạt 1.003,63 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 45,18% tổng lượng điện thương phẩm; doanh thu tiền điện đạt 4.200 tỷ đồng và giá bán điện bình quân đạt 1.890,75 đồng/kWh; tổn thất điện năng 11 tháng đạt 3,8%, giảm 0,53% so với cùng kỳ 2021; về ĐTCCCĐ lưới phân phối thực hiện 211,72 phút, giảm 34,17% so với cùng kỳ 2021; về suất sự cố lưới điện 110kV kéo dài thực hiện 60,66% KH năm, suất sự cố lưới điện 110kV thoáng qua thực hiện 27,80% KH năm.
Tính đến nay, PC Bình Định đã hoàn thành việc lắp đặt 466.921 công tơ điện tử cho khách hàng để thực hiện ghi chữ số công tơ qua hệ thống đo xa RF-Sprider (đạt 100%), và tỷ lệ online duy trì đạt trên 98,8%; qua đó, góp phần gia tăng tính minh bạch và nâng mức độ hài lòng của khách hàng trong các giao dịch với ngành điện. Tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tăng nhanh và 11 tháng đạt 99,92%, tăng 26,55% so với cùng kỳ và tăng 21,92% so với kế hoạch EVNCPC giao cho đơn vị.
Ngoài ra, để không ngừng nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, PC Bình Định đã đưa nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý vận hành nhằm đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục, chất lượng cho khách hàng như: thành lập Đội sửa chữa nóng lưới điện(Hotlline2) không cần cắt điện; Trung tâm điều khiển SCADA - Phòng Điều độ điều khiển xa 14 trạm biến áp 110 kV không người trực; thao tác từ xa với số lượng 110 XT trung áp 22,35kV và 354 thiết bị có điều khiển xa đang vận hành trên lưới điện; thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện theo điều kiện vận hành thiết bị (CBM)…
Trong quá trình 46 năm hình thành và phát triển, để hoàn thành tốt nhiệm vụ là đơn vị đi trước một bước để mở đường cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, PC Bình Định đã phải giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc. Tuy nhiên theo từng giai đoạn mà có sự tập trung giải quyết phù hợp, trong đó trong giai đoạn đầu (1976-1993) phải tập trung giải quyết tình trạng thiếu nguồn điện; giai đoạn (1994-đến nay) là đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân toàn tỉnh.
Nhờ sự đoàn kết, nhất trí, sự cố gắng của tập thể cán bộ nhân viên - người lao động, sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của EVNCPC, đã giúp cho PC Bình Định có được nguồn vốn để đầu tư xây dựng đường dây, nâng cấp hạ tầng lưới điện, cũng như hệ thống trạm biến áp trên địa bàn tỉnh, và từng bước ngành điện đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện theo định hướng phát triển của chính quyền địa phương xây dựng Bình Định từ một tỉnh thuần nông trở thành địa phương phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại, du lịch và kinh tế biển.
Điện đi trước - tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
Có thể nói, thành tựu nổi bật của PC Bình Định sau 46 năm là đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện để hình thành nên một hệ thống nguồn, lưới điện đầy đủ theo cả nghĩa rộng và sâu, bao gồm các đường dây, trạm nguồn 220kV, 110kV lần lượt đưa vào vận hành; hệ thống lưới điện trung hạ áp cũng được đầu tư xây dựng, mở rộng ra khắp toàn tỉnh với các dự án vốn của ngành điện và vốn vay nước ngoài: Sida1,2,3, ReII, ReII mở rộng, RD, KFW1, 2, 3, Jica…, đảm bảo đủ cung cấp điện cho nhu cầu dùng điện cho an ninh- quốc phòng, văn hóa - xã hội, sinh hoạt tiêu dùng dân cư, và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiệm vụ “Điện đi trước một bước” đã được PC Bình Định hiện thực hóa một cách đầy sáng tạo, để giờ đây nguồn cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có công suất dự phòng sẵn sàng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và không để phụ tải nào cần điện mà không được đáp ứng kịp thời.
Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu phương hướng, mục tiêu là tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng: “ ... Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo đông lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Trong đó tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa Khu công nghiệp - Đô thị Becamex đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới…”. Do vậy, đòi hỏi về nhu cầu điện năng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên, khiến cho nhiệm vụ: “điện đi trước” của PC Bình Định đối với địa phương ngày một lớn hơn.
Tỉnh Bình Định trong quá trình đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng của 6 khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 15.300 ha và hạ tầng 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.940 ha; và hiện có 45 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 60,8%; đã thu hút 399 dự án đầu tư, trong đó có 281 dự án đã đi vào hoạt động, và tất cả đều được PC Bình Định đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định để phục vụ cho mọi nhu cầu sản xuất - kinh doanh của các đơn vị.
Ngoài ra theo kế hoạch thì trong năm 2022, ngành Điện sẽ đóng điện TBA 110kV Vân Canh; năm 2023 đóng điện TBA 110kV Cảng Quy Nhơn; năm 2024 đóng điện TBA 110kV Cát Nhơn; và các năm sau đó lần lượt trạm 110kV Hoài Ân, Gềnh Ráng, Nhơn Phú, An Nhơn2… sẽ tiếp tục đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu dùng điện để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Kỷ niệm 46 năm ngày thành lập (8/12/1976-8/12/2022), tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên - người lao động của PC Bình Định cam kết sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nỗ lực sáng tạo, đồng thời triển khai tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình điện, cũng như tăng cường quản lý kỹ thuật, kinh doanh, vận hành lưới điện, nhằm đảm bảo đầy đủ nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa dòng điện liên tục thắp sáng niềm tin trong nhân dân.
Với việc xác định rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp thực hiện kế hoạch 2021-2025 một cách chi tiết; tin tưởng rằng, PC Bình Định sẽ thực hiện hoàn thành trách nhiệm: “điện đi trước một bước” trong công tác chuẩn bị nguồn, lưới điện một cách chu đáo, đầy đủ nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, và phục vụ đời sống của người dân trong tỉnh với chất lượng dịch vụ điện ngày càng cao.