Trước năm 2013, công tác thu tiền điện của PC Đắk Lắk chủ yếu là hình thức thu tại nhà, thu tại quầy giao dịch của Điện lực, chỉ có những khách hàng lớn nộp tiền điện bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng theo quy định của cơ quan nhà nước. Trong số 577.000 khách hàng sử dụng điện đơn vị đang quản lý thì chỉ có 24% tại khu vực thành phố còn 76% số khách hàng còn lại thuộc các xã vùng sâu, vùng xa. Địa bàn Công ty quản lý rộng, đa số khách hàng vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, ít có điều kiện tiếp xúc với hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng.
Trong khi đó, hệ thống các điểm giao dịch phân bố chưa rộng khắp, một số huyện có rất ít đối tác thu hộ tiền điện. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng có phí thông báo biến động số dư thường giao động từ 8.800 đồng đến 11.000 đồng, phí quản lý tài khoản cũng bình quân khoảng 2.000 đồng mỗi tháng, điều này cũng gây khó khăn cho công tác vận động khách hàng thanh toán tiền điện qua các đơn vị này.
Với chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, PC Đắk Lắk đã nghiên cứu các giải pháp để cung cấp thêm nhiều tiện ích, tiện lợi cho khách hàng khi nộp tiền điện, tăng năng suất lao động. Nhờ đó, quy mô số ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán ký hợp tác và số điểm thu tiền điện tăng nhanh. Trong đó, thanh toán tiền điện trực tuyến cũng đang dần trở thành xu hướng phổ biến, được nhiều khách hàng lựa chọn. Để phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, PC Đắk Lắk đã liên kết với 15 ngân hàng và 09 tổ chức trung gian thực hiện thu hộ tiền điện.
Nhân viên tại Phòng giao dịch hướng dẫn khách hàng đăng ký sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến |
Tính đến tháng 3 năm 2022, 88,66% khách hàng của Công ty thanh toán qua ngân hàng, tổ chức thu hộ. Trong đó tỷ lệ thu không dùng tiền mặt là 80,54%.
Ông Trần Văn Sao, người dân Thôn Tri 1C (xã Dlê Yang, huyện Ea H’leo) cho biết, ông đang sử dụng banking chuyển tiền tự động hoặc banking để thanh toán từ xa, tiện lợi cho vì không phải đi lại, không phải mất thời gian nhiều. Nhất là trong những giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp ông hạn chế đến nơi đông người, giảm nguy cơ nhiễm bệnh. “Sau khi sử dụng thành thạo, tôi quyết định chuyển hẳn sang thanh toán qua ngân hàng bằng hình thức trực tuyến, vài thao tác đơn giản trên điện thoại là có thể chuyển tiền thành công rồi.” ông Sao chia sẻ.
Còn với ngành điện, hình thức thanh toán này giúp hạn chế sai sót, quản lý tốt công nợ trên cổng thanh toán tiền điện với dữ liệu tập trung và nâng cao năng suất lao động.
Theo ông Phạm Thế Nghi, Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực Ea H’leo, trong giai đoạn đầu khi bắt đầu triển khai thanh toán tiền điện trực tuyến, Điện lực Ea H’leo đã trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương để vận động các đối tượng là cán bộ, công chức đang được trả tiền lương qua các ngân hàng trên địa bàn huyện sử dụng dịch vụ trả tiền điện qua ngân hàng hoặc trích nợ tự động.
“Tiếp đó, Điện lực đã làm việc trực tiếp với các ngân hàng trên địa phương, tổ chức thu hộ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Điện lực cũng thực hiện việc thông báo, vận động người dân, khách hàng hiểu biết về tiện ích, tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt để người dân sử dụng hình thức thanh toán này” ông Nghi thông tin.
Ngoài các hình thức thanh toán quen thuộc, từ tháng 01/2021, PC Đắk Lắk triển khai ứng dụng QR code theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cho tất cả khách hàng sử dụng điện. Mỗi khách hàng sẽ có một QR code, được áp dụng trên toàn bộ hồ sơ, trên hóa đơn tiền điện và thông báo tiền điện. Khách hàng có thể lưu trữ thông tin thanh toán trên điện thoại di động cá nhân để thực hiện các giao dịch chỉ bằng một thao tác đơn giản.