Hà Nội khuyến khích DN phát triển các sản phẩm du lịch xanh.
CôngThương - Những bất cập về biến đổi của môi trường gia tăng, trong khi lượng khách dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng đang là thách thức đối với các thành phố châu Á. Ông Kai Partale- chuyên gia Dự án phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường do EU tài trợ- cho hay, các vấn đề về biến đổi của môi trường, văn hóa ở thành phố là mặt trái của phát triển du lịch. Vì thế phải có chính sách, kế hoạch phù hợp tạo cơ sở để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Để giải quyết các thách thức trên, ông Masahiko Hosaka, Giám đốc Cục Công nghiệp và Lao động thành phố Tokyo, Chủ tịch CPTA cho rằng, ngành du lịch châu Á nên tận dụng thế mạnh thiên nhiên để xây dựng sản phẩm xanh, như du lịch sinh thái, làm nông dân nhằm khuyến khích du khách hòa nhập với thiên nhiên, nâng cao đời sống của người dân địa phương mà không gây bất cứ tác động gì đến môi trường.
Hiện dựa trên thế mạnh, đặc trưng riêng các thành phố châu Á đang tích cực đẩy mạnh khai thác mô hình du lịch xanh thân thiện, trách nhiệm. Bà Noraza Yusof- Cục Xúc tiến du lịch TP Kuala Lumpur (Malaysia)- cho biết, chiến lược Kuala Lumpur xanh hơn đang là mục tiêu phát triển của du lịch KualaLumpur. Kuala Lumpur đang thúc đẩy xây dựng nhiều tuyến phố đi bộ, nhằm giảm lượng phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho du khách, Kuala Lumpur đưa ra sáng kiến cho du kháchtrồng cây xanh có thu phí tại các khu vực công cộng. Tokyo (Nhật Bản) thông qua các hoạt động du lịch sinh thái tuyên truyền trách nhiệm cho du khách bảo vệ động thực vật quý hiếm, các hòn đảo, nguồn nước cùng với di sản văn hóa địa phương.
Còn TP Hà Nội thì khuyến khích doanh nghiệp phát triển những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, khai thác tối ưu các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa, như: tour du lịch sinh thái, tour "một ngày làm nông dân", du lịch bằng xe điện…; khách sạn, nhà hàng áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải môi trường. Làng gốm sứ Bát Tràng đã thay thế lò nung than truyền thống gây ô nhiễm môi trường bằng lò gas, từ đó tạo môi trường xanh cho du khách khi đến tham quan làng nghề.
“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các doanh nghiệp và các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch nhận thức được sâu sắc rằng, xây dựng, chào bán các sản phẩm dịch vụ du lịch theo định hướng “phát triển bền vững”, có trách nhiệm là nghĩa vụ, lợi ích cho xã hội, nâng cao uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp, nhà kinh doanh”- ông Mai Tiến Dũng- Phó giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội nhấn mạnh.