Phải duy trì và phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam!
Tin hoạt động 27/03/2017 13:23
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Trưởng đoàn công tác liên ngành - tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải vào sáng ngày 27/3 tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Thứ trưởng cũng nhận định: "Phải dựa vào doanh nghiệp lớn. Muốn làm được thì phải có chính sách và chính sách này là do doanh nghiệp đề xuất: Lựa chọn sản phẩm nào? Muốn phát triển thì cần làm gì?..."
Công nghiệp hỗ trợ cần tìm thế mạnh khác biệt
Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương - cho rằng, thời gian qua, các mục tiêu của chiến lược quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô đã đạt được một số thành tựu. Sản lượng ôtô trong nước sản xuất đến năm 2016 đạt tới sản lượng theo quy hoạch của năm 2020, nhưng thách thức của ngành công nghiệp này vẫn còn rất lớn, nhất là thời điểm năm 2018 đã đến rất gần, thị trường xe trong nước bị ảnh hưởng bởi xe nhập khẩu với chính sách thuế giảm mạnh. Những mục tiêu chưa đạt được trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô là tỷ lệ nội địa hóa và giá trị giá tăng cho sản phẩm. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn.
“Với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đã ban hành, vấn đề đặt ra là cần có giải pháp mới để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển bền vững. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác Liên ngành do Bộ Công Thương đứng đầu, với thành phần là đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải để làm việc với các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước, nhằm có những tham mưu phù hợp, để Chính phủ đề ra giải pháp cụ thể phát triển công nghiệp ôtô thời gian tới” - ông Hoài dẫn giải.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc |
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco |
Vvới kinh nghiệm đầu tư sản xuất ôtô từ lâu năm, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco - cho biết, ngành công nghiệp ôtô trong nước nếu không định vị được công nghệ riêng và định vị được sản phẩm thì sẽ khó thành công. Sở dĩ xe tải, xe bus do Thaco sản xuất đã cạnh tranh rất tốt với hàng của Trung Quốc do doanh nghiệp đã làm chủ được thiết kế, cải tiến được công nghệ và định vị được giá thành: sản phẩm chất lượng cao như hàng Hàn Quốc mà giá bán lại rẻ hơn hàng Trung Quốc. “Câu chuyện nội địa hóa của Thaco được tính đến phải tập trung gia tăng nội địa hóa vào những linh kiện quan trọng, vốn là nhược điểm của đối thủ cạnh tranh để biến nó thành thế mạnh cho mình. Ở đây, doanh nghiệp đã mua công nghệ của Hàn Quốc để sản xuất những chi tiết quan trọng như dây điện, nhíp, kính…” - ông Dương bật mí.
“Muốn phát triển công nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thì phải có thời gian, đồng thời lựa chọn và xác định sản phẩm đang đứng ở đâu để tạo khác biệt hiệu quả. Không thể đòi hỏi làm công nghiệp hỗ trợ hoành tráng ngay, cũng không thể duy ý chí. Trên thế giới, các hãng sản xuất ôtô đều phải liên kết với nhau, mua linh kiện của nhau… Muốn tăng nội địa hóa phải chọn sản phẩm” - ông Dương chia sẻ.
Cần sớm có gói chính sách cho công nghiệp ôtô
Được biết, Thaco là điểm dừng chân thứ hai của đoàn liên ngành. Trước đó, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Nhà máy Ôtô Huyndai Thành Công tại Ninh Bình. Các buổi làm việc sẽ mang đến cái nhìn cụ thể hơn từ những vướng mắc, kiến nghị thực tiễn, từ đó có những tham mưu, tư vấn chính sách cụ thể, phù hợp cho cơ quan quản lý nhà nước. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, đầu tháng 5 tới, đoàn liên ngành sẽ phải báo cáo Chính phủ nội dung rút ra từ những buổi làm việc. Phải khẳng định chắc chắn rằng, định hướng của Chính phủ và Bộ Công Thương là giữ được công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam, đồng thời phát triển được công nghiệp phụ trợ làm sao phù hợp với thực tế hiện nay và phù hợp với doanh nghiệp trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính |
Theo các chuyên gia kinh tế, giữ được dung lượng thị trường là giữ và phát triển được công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ. Để làm được điều này thì chính sách thuế là rất quan trọng. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - bày tỏ: Doanh nghiệp cần đưa ra được tỷ lệ thuế, phí trong giá thành xe là bao nhiêu, từ đó cơ quan quản lý nhà nước mới có những tính toán để đưa ra đượ chính sách hài hòa cho phát triển công nghiệp ôtô, đảm bảo các cam kết quốc tế.
Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai - đưa ra kiến nghị: Chính sách phát triển công nghiệp ôtô phải toàn bộ. Về phía tỉnh Quảng Nam, cần lựa chọn sản phẩm. Nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ cam kết sản phẩm gì, sản lượng ra sao?Nhà sản xuất cũng được đề xuất chính sách ưu đãi…, Từ đó có những cam kết chính sách của Nhà nước đối với phát triển công nghiệp ôtô. “Gói chính sách cho công nghiệp ôtô là điều cần tính đến” - ông Diện nhấn mạnh.
TIN LIÊN QUAN | |