Phản bác luận điệu xuyên tạc hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh: Ai mới là kẻ hoang tưởng?
Vào tháng Năm, với nhiều hình thức phong phú, nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chí Minh - người được tôn vinh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam". Thế nhưng trên mạng xã hội có một số bài viết lại xuyên tạc cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, trong đó bài đăng trên trang "Diễn đàn Chính luận" vừa qua với tiêu đề "Những hoang tưởng về cuộc chiến nồi da xáo thịt Việt Nam".
Bài viết cho rằng, nói người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời đất nước ngày 5/6/1911 để tìm đường cứu nước là "hoang tưởng". Họ căn cứ vào bức thư ngày 15/ 9/1911 của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp xin vào học trường Thuộc địa để khẳng định rằng Nguyễn Tất Thành xin học để phục vụ chính quyền Pháp. Ai cũng biết, thời kỳ Nguyễn Tất Thành viết bức thư là thời kỳ thực dân Pháp tiếp tục đàn áp các phong trào yêu nước và các cuộc khởi nghĩa. Chính phủ Pháp đã thương lượng với Chính phủ Nhật để trục xuất Phan Bội Châu và những người tham gia phong trào Đông Du về nước đã bắt bớ, giam cầm những người tham gia phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh lãnh đạo; đã tàn sát dã man những người tham gia các cuộc khởi nghĩa trong đó có các nghĩa quân của Phan Đình Phùng ở Hương Khê (Hà Tĩnh) và của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế (Bắc Giang).
Trong hoàn cảnh như thế, Nguyễn Tất Thành không thể viết một bức thư công khai nói rõ mục đích cứu nước của mình. Ngoài ra, trong bức thư còn chứa đựng những ý tưởng khác như "rất khao khát học vấn" và mong muốn "làm thế nào cho họ (đồng bào mình) được hưởng những ích lợi của nền học vấn". Về mặt thực tế, dù bức thư xin vào học trường Thuộc địa không được chấp nhận, nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn không xa rời mục đích cứu nước của mình.
Trước khi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành nói với một người bạn: "Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta". Với mục đích đó, Nguyễn Tất Thành đã làm mọi công việc trên các con tàu qua Pháp và từ đó để qua các nước ở châu Phi, Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mỹ, Anh....Ở những nơi đi qua, Nguyễn Tất Thành đều tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu cuộc sống của người lao động, không ngừng thu nhận kiến thức để sau này trở về giúp nước. Như vậy, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước không chỉ là một nguyện vọng mà còn là một thực tế lịch sử vì thế không thể căn cứ vào bức thư xin vào trường Thuộc địa để cho rằng, việc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là "hoang tưởng".
Bài viết cho rằng, nói Hồ Chí Minh suốt đời vì dân vì nước là "hoang tưởng".
Sau khi đặt chân đến nước Pháp, song song với công việc lao động, làm liên tục, Nguyễn Tất Thành đã tham gia nhiều hoạt động chính trị. Cụ thể như: Thay mặt Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Nguyễn Tất Thành đã soạn thảo bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Hoà bình ở Versailles (Pháp). Bản "Yêu sách" - được luật sư Phan Văn Trường dịch sang tiếng Pháp - gồm 8 điểm yêu cầu Chính phủ Pháp công nhận các quyền tự do, dân chủ cơ bản cho nhân dân An Nam cũng như Đông Dương. Bản "Yêu sách" cũng được Nguyễn Ái Quốc in thành các tờ truyền đơn, biên soạn thành văn vần tiếng Việt và dịch sang tiếng Hán để gửi cho các đối tượng phù hợp tại Pháp và tại Việt Nam.
Tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã ra báo "Người cùng khổ" (Le Paria), trực tiếp làm chủ bút, phóng viên và phát hành cũng như viết nhiều bài đăng trên một số tờ báo ở Pháp nhằm tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương và kêu gọi Chính phủ Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam.
Năm 1919 Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì Đảng này là "tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi". Tháng 12/1920 tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở Tour (Pháp), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Đảng này gia nhập Quốc tế III vì Quốc tế III "sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ - đó là tất cả những điều tôi muốn".
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần bị kết án vắng mặt, bị bắt. Tháng 10/1929 Nguyễn Ái Quốc bị tuyên án tử hình vắng mặt tại Tòa đại hình Vinh và lần hai vào tháng 2/1930. Trong giai đoạn 1930 – 1931, Nguyễn Ái Quốc hoạt động chủ yếu tại Hồng Kông dưới tên gọi là Tống Văn Sơ. Ngày 6/6/1931 Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông bắt giam khi đang trú tại Cửu Long và bị đưa ra xét xử từ ngày 14/8/1931 đến ngày 11/9/1931. Do sự can thiệp của tổ chức Cứu tế Đỏ và sự bào chữa của luật sư Francis Henry Loseby nên Nguyễn Ái Quốc chỉ bị tòa tuyên bố trục xuất khỏi Hồng Kông.
Sau này khi là Chủ tịch nước, để bày tỏ sự tri ân đối với ân nhân, Hồ Chí Minh đã mời gia đình luật sư Loseby thăm Việt Nam vào dịp Tết Canh Tý năm 1960. Trong thư cảm ơn gửi Hồ Chí Minh ngày 19/2/1960, luật sư Loseby bày tỏ tình cảm đặc biệt với Bác Hồ và nhân dân Việt Nam, trong đó có đoạn: “Ngài nói rằng tôi đã “cứu sống Ngài”, điều đó có thể đúng. Nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt". Cô Patơritxia - con gái của ông bà Loseby - trước khi chia tay nói: "Chắc chắn đất nước Việt Nam sẽ phồn vinh vì có một lãnh tụ vĩ đại như Bác Hồ".
Giữa tháng 8 năm 1942, khi từ Pắc Bó sang Trùng Khánh, Trung Quốc để kêu gọi sự ủng hộ của các nước Khối Đồng minh đối với Mặt trận Việt Minh trong công cuộc đánh đuổi Pháp và Nhật, Hồ Chí Minh bị chính quyền địa phương bắt ở thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo vì bị tình nghi là gián điệp. Từ đây, Hồ Chí Minh bị giải đi khắp 13 huyện với 18 nhà lao. Trong thời gian bị tù đầy ở đây, Hồ Chí Minh đã sáng tác tập thơ "Nhật ký trong tù" gồm 133 bài thơ không chỉ phản ánh những nỗi thống khổ của cảnh lao tù mà còn nói lên tinh thần của một nhà cách mạng. Dù "thân thể ở trong lao" nhưng "tinh thần ở ngoài lao", dù ở trong tù "trằn trọc năm canh giấc chẳng lành" nhưng hễ chợp mắt thì "sao vàng năm cánh mộng hồn quanh".
Bất chấp giam cầm tù đầy, Hồ Chí Minh không bao giờ xa rời mục đích của mình. Trong buổi nói chuyện với đồng bào ngày 30/5/1946 trước khi sang Pháp, Hồ Chí Minh nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó".
Sau này khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (tiền thân của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay), Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn coi mình là "người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận". Khi trả lời các nhà báo nước ngoài (đăng trên báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946), Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu đến vòng danh lợi".
Những lời nói và hành động của Hồ Chí Minh như nói trên cùng những đóng góp to lớn của Người, đã khẳng định rằng toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người không ngoài mục đích: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân" như Người viết trong Di chúc.
Cuộc đời của Hồ Chí Minh là tấm gương chói lọi về sự hy sinh suốt đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn dắt nhân dân dân ta giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng xã hội dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ai đó coi việc tôn vinh Hồ Chí Minh là "hoang tưởng" thì họ không có gì khác là những người xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh và chính họ là những người hoang tưởng.
PGS, TS Phạm Hữu Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh