Phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại 2,6 tỷ USD/năm
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón |
“Ma trận” phân bón
Thị trường phân bón Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 chủng loại. Việc tồn tại quá nhiều chủng loại gây khó khăn cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân.
Tại hội thảo “Phân bón giả - Tác hại thật” vừa diễn ra tại TP. Vũng Tàu, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - bức xúc: “Chúng tôi là các nhà khoa học nhiều năm trong nghề mà còn khó phân biệt các loại phân bón, thì làm sao bà con nông dân không “hoa cả mắt”?
Đặc biệt, “ma trận” chủng loại khiến thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại và “nảy mầm” phân bón giả, phổ biến hơn cả là phân bón kém chất lượng tới mức chỉ còn 10 - 30% hàm lượng dinh duỡng theo đăng ký và công bố TCCS.
Những năm gần đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có nhiều đợt kiểm tra chất lượng phân bón được sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.
Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị truờng (QLTT) - vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất và kinh doanh phân bón thời gian qua có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại.
Nông dân chịu thiệt
Đối với bà con nông dân, phân bón giả, kém chất lượng khiến lợi nhuận của vụ mùa giảm sút, thậm chí mất trắng. Những hóa chất và nguyên liệu không phải là chất dinh dưỡng trong phân giả, kém chất lượng đưa vào đất sẽ làm thoái hóa đất, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản và kéo theo mất an toàn thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, hiện tượng rửa trôi và xói mòn do cường độ mưa sẽ khiến chất độc từ phân bón giả ra ngoài kênh mương hoặc trực tiếp đi xuống tầng nước ngầm, ảnh hưởng tới động vật thủy sinh, tôm cá và sức khỏe con người. Đặc biệt, có thể dẫn đến ung thư nếu người dân sử dụng nước ngầm có nhiễm kim loại nặng và hàm lượng N03 cao.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty Phân bón hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón, thương hiệu phân bón Phú Mỹ - cho biết, hiện nay thị trường phân bón đang diễn biến hết sức phức tạp. Phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ra quy chuẩn chặt chẽ nhằm giảm xuống còn khoảng 200 loại phân bón, giúp cho việc quản lý thuận tiện và bà con nông dân cũng dễ dàng sử dụng.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới: Bà con có thể bón thử trên rau ăn lá, sau 3-5 ngày nếu cây rau xanh, tươi mát là phân bón chất lượng. Ngược lại, không thấy thay đổi, thậm chí lá vàng, thối rễ là phân bón giả hay kém chất lượng. |