Phân đạm urê: Hướng tới xuất khẩu
- Sản lượng đạm urê sẽ tăng 3,5 lần hiện nay
Hiện nay cả nước có 2 nhà máy sản xuất phân đạm urê, trong đó Nhà máy phân đạm Hà Bắc công suất 180.000 tấn/năm và Nhà máy đạm Phú Mỹ công suất 740.000 tấn/năm, đã mở rộng lên 800.000 tấn/năm từ quý 4/2010. Như vậy, nguồn cung chỉ có 920.0-980.000 tấn/năm so với nhu cầu khoảng 2-2,2 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, thời gian tới sẽ diễn ra nhiều thay đổi trên thị trường này. Ông Chu Văn Tuấn- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam Vinachem, kiêm Trưởng Ban quản lý Dự án Đạm Ninh Bình- cho biết: Theo kế hoạch, tháng 11/2011, sản phẩm phân đạm của Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm thuộc Vinachem sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư. Tiếp đó, là Nhà máy đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011; Nhà máy đạm Công Thanh (Thanh Hóa) công suất 560.000 tấn/năm dự kiến động thổ vào cuối năm 2011; việc nâng công suất Nhà máy đạm Hà Bắc lên 500.000 tấn/năm cũng sẽ hoàn thành vào năm 2014. Như vậy, giai đoạn 2012- 2014, công suất sản xuất phân đạm urê sẽ tăng lên rõ rệt, từ năm 2012 và đến 2015 có thể vượt 3 triệu tấn, đạt mức tăng 3,5 lần so với công suất hiện nay.
Dự báo vào thời điểm 2015, tình hình thị phần phân đạm trong nước sẽ có những thay đổi, thậm chí là “đảo ngược tình thế”, khi các nhà sản xuất cũng như nhập khẩu phân đạm vào cuộc giành thị phần. Trái ngược với tình hình hiện nay, khi cung chưa đủ cầu nên các nhà phân phối phải nỗ lực chạy đua để giành thị phần từ nhà sản xuất.
Nhìn nhận rõ về xu hướng này, đại diện Tổng công ty Hóa chất và Phân đạm Dầu khí cho biết, đã bắt đầu tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu phân urê. Trong cuộc đua này, lợi thế sẽ thuộc về các đơn vị đã có bề dày sản xuất. Đơn cử như nhà máy đạm Phú Mỹ, mặc dù bắt đầu từ năm 2011, đạm Phú Mỹ phải tính giá khí theo thị trường ngang bằng với các hộ tiêu thụ khí khác (chứ không được hưởng giá khí ưu đãi như trước). Tuy nhiên, hưng nhà máy này vẫn có lợi thế là đã vào giai đoạn hết khấu hao vốn cố định.
Với các nhà máy mới hoạt động thì tình hình sẽ khó khăn hơn. Ông Chu Văn Tuấn cho biết, vì sản xuất đạm đi từ than nên nhà máy đạm Ninh Bình phải gánh một chi phí than đầu vào lớn. Thêm nữa, đạm Ninh Bình sẽ phải chịu khấu hao lớn trong những năm đầu đi vào sản xuất.
Nên đầu tư vào SA, Kali và DAP
Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hoá chất- Bộ Công Thương, khi phân đạm urê đã bước vào thời điểm bão hòa, các nhà máy phân bón nên có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang nhà máy sản xuất SA, DAP và đẩy nhanh tiến độ dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào để có kali cung cấp cho thị trường. Hiện phân SA và kali vẫn phải nhập hoàn toàn với lượng hàng năm khoảng 700-800.000 tấn/loại/năm. Phân DAP cũng mới chỉ có một nhà máy DAP số 1 tại Hải Phòng công suất 330.000 tấn/năm và đang xúc tiến xây dựng nhà máy thứ hai công suất tương đương tại Lào Cai. Nhưng mỗi năm, nước ta vẫn phải nhập khoảng 700.000 tấn DAP và nhu cầu DAP cũng sẽ tăng lên.
Xem xét đến khả năng cung ứng nguyên liệu, Việt Nam có đủ điều kiện về tài nguyên apatit và cơ sở vật chất để phát triển các dự án sản xuất amoniac nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất SA. Do vậy, giai đoạn tới, việc nghiên cứu đầu tư tiếp nhà máy DAP thứ ba là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt khuyến khích sử dụng quặng apatite loại 2 để sản xuất DAP. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu này, cần đầu tư thêm 1 nhà máy tuyển quặng apatit công suất nhà máy 800.000- 1000.000 tấn quặng tinh/năm và đầu tư nhà máy sản xuất ammoniac từ than hoặc từ khí.
Ông Phùng Hà cũng khuyến cáo, ngoài việc hướng tới xuất khẩu, trong tương lai gần các nhà máy sản xuất phân đạm urê cũng cần tính tới các phương án khác nhau trong cơ cấu sản phẩm căn cứ theo nhu cầu của thị trường.
Nguyễn Duyên