Phấn đấu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD
Tin hoạt động 23/12/2019 20:34
Bộ Công Thương chủ động, tích cực phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018; riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do những khó khăn về thị trường, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, đặc biệt các sản phẩm Việt Nam đứng tốp đầu thế giới như tiêu, điều, cà phê...; tiến độ để giải quyết "thẻ vàng" của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm....
Đồng tình và chia sẻ rất cao với những báo cáo tổng kết 2019, định hướng năm 2020 của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: năm 2019, trong kết quả, thành tích chung của nền kinh tế cũng như của ngành nông nghiệp cũng chứng kiến một năm cả hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã triển khai rất chủ động, tích cực, không chỉ có quy chế phối hợp của hai bên mà còn cả lồng ghép vào chương công tác của Chính phủ gắn với trách nhiệm trong quản lý Nhà nước của từng bộ ngành. Sự chủ động của hai Bộ có ý nghĩa rất then chốt trong tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường cho những đối tượng chủ thể trong hoạt động đầu tư sản xuất, nhất là trong chuỗi cung ứng của nông sản thủy sản. Công tác quản lý thị trường và chống hàng giả lĩnh vực nông nghiệp từng bước tạo được sự đột phá trong thực thi các nhiệm vụ, từng bước tạo ra sự ổn định về thị trường hàng hóa và nguyên liệu phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị |
Trong việc xử lý các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ thời gian qua, chính sự phối hợp giữa hai Bộ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ, đã đạt được những kết quả nhất định. Chương trình xúc tiến dành cho các sản phẩm nông sản, thủy sản trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia hàng năm do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức hiện đã tăng lên 36% so với con số trước đây là 25 - 30%. Hiện, công tác xúc tiến thương mại đang hướng tới sự đổi mới nhằm đem lại hiệu quả cao hơn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vẫn còn những bất cập rất lớn trong công tác xây dựng các hàng rào kỹ thuật bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Do đó, cần có sự chủ động phối hợp của 2 Bộ nhằm đảm bảo chuỗi giá trị nông sản trong xuất khẩu sẽ được nâng cao hơn nữa về giá trị gia tăng cũng như bảo vệ thị trường nội địa. Về công tác truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản, mặc dù năm 2019 hai Bộ đã làm rất tốt, nhưng sẽ không chỉ dừng lại tại đây mà cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA và hàng loạt các FTAs đi vào thực thi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: thời gian tới Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng Bộ NN&PTNT nhằm thực hiện mục tiêu phục vụ cho các địa phương, người nông dân, các doanh nghiệp một cách thiết thực hiệu quả thông qua các hội nghị, các chương trình lớn mà đã có kinh nghiệm triển khai trong năm 2019; từ phổ biến kiến thức hội nhập đến xây dựng các dự án chiến lược các ngành hàng để đảm bảo tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh. “Bộ Công Thương sẽ chủ động, tích cực hoàn thành nhiệm vụ của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2019, ngành Nông nghiệp đối mặt với 3 vấn đề thách thức lớn như: Cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp. Dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng xảy ra, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi cả nước đã tiêu hủy 8% tổng đàn. Biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết nhưng ngành Nông nghiệp đã nỗ lực phấn đấu vượt 3 - 4 chỉ tiêu của Chính phủ đã giao. Cả nước đã hình thành một số vùng chuyên canh mới như Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang, An Giang. Đặc biệt là nhiều nhà máy chế biến được khởi công xây dựng, khánh thành đưa vào sản xuất. Một số ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nổi bật là ngành chế biến gỗ, ngành sữa, lần đầu tiên có thị trường mới là thị trường Trung Quốc. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp với các Bộ ngành tìm thị trường để có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Nhiều hợp tác xã kiểu mới thành lập, nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 đưa vào sản xuất để tạo ra nhiều mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém của ngành cần phải khắc phục như: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến; Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại; Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch năm đề ra (đạt 86,1%), nhất là vốn ODA. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp,ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; và giá thịt lợn đang ở mức rất cao
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn ngành Nông nghiệp phấn đấu năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%. Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình đạt 3 - 3,5%, có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới...
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Nông nghiệp phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, coi chế biến hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, cần giữ chất lượng và chữ tín cho các mặt hàng nông sản ở những thị trường khó tính, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cơ chế chính sách nông nghiệp cần được tháo gỡ về vốn, đất đai, đầu ra cho sản phẩm; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.