CôngThương - Tuy nhiên vấn đề ở đây không đơn giản là việc áp phạt, bởi khi nhận thức xã hội chưa cao thì quy định sẽ khó thực hiện.
Theo thống kê, tại Việt Nam, có gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Với tác hại gây ra, việc áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là cần thiết, song làm thế nào để luật được thực thi hiệu quả trong thực tế là một câu hỏi khó, đặc biệt trong khâu xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Theo quy định, khi phát hiện người hút thuốc lá nơi công cộng, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản xử phạt, rồi người bị phạt sẽ phải mang tiền đến Kho bạc Nhà nước để nộp phạt. Đây cũng là lý do khiến cơ quan chức năng chỉ xử phạt được hơn 10 người kể từ khi Quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng có hiệu lực.
Ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - thừa nhận, hiện nay việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng còn nhiều cái khó. Người hút thuốc chỉ trong thời gian rất ngắn, số lượng vi phạm đông, trong khi lực lượng chức năng xử lý lại mỏng nên việc xử phạt khó có thể tiến hành đầy đủ, kịp thời.
Theo một số chuyên gia tư pháp, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khó cũng phải làm, vấn đề là phải có một tổ chức chịu trách nhiệm cụ thể. Đây cũng là quan điểm của GS. Nguyễn Minh Thuyết- Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Muốn thực thi phải giao cho một tổ chức cụ thể chịu trách nhiệm. Tổ chức này có thể phối hợp với các tổ chức khác nhưng không thể để quá nhiều tổ chức, cá nhân có quyền xử phạt ”.