Người dao đỏ ở Lào Cai đi hái lá thuốc (Ảnh minh họa) |
Việt Nam là một trong những trung tâm về đa dạng sinh học của thế giới, phong phú về các giống cây trồng, vật nuôi, nguồn gen dược liệu cũng như có nhiều tri thức truyền thống gắn với nguồn gen. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về đa dạng sinh học trong nước và quốc tế, hiện tính đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm. Đến nay, Việt Nam chưa phát huy được hết các lợi thế về đa dạng sinh học mang lại, đặc biệt là nguồn gen. Nguy cơ thất thoát, mai một về nguồn gen vẫn đang hiện hữu chưa có các giải pháp quản lý hữu hiệu để từ đó khẳng định chủ quyền quốc gia đối với nguồn gen.
Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Trên thực tế, việc chia sẻ lợi ích giữa bên sử dụng nguồn gen (thường là bên nước ngoài tiếp cận nguồn gen của Việt Nam) với chính Việt Nam (bên cung cấp nguồn gen) đến nay chưa được thực hiện. Nguyên nhân, do Việt Nam chưa hình thành được một hành lang pháp lý cần thiết để quản lý vấn đề này.
Năm 2010, Nghị định thư Nagoya về tiếp cần nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen đã được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học tại Nagoya - Nhật Bản, trong đó có Việt Nam. Nghị định thư Nagoya đã có hiệu lực từ năm 2014.
Để xây dựng năng lực thực hiện Nghị định thư Nagoya, Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với UNDP khởi động dự án “xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen tại Việt Nam” với tổng kinh phí dự án là 12,5 triệu USD, thời gian thực hiện 4 năm (2016-2020), trong đó Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua UNDP tài trợ 2 triệu USD bằng tiền mặt, phần còn lại là đóng góp từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.
Mục tiêu chính của dự án này là hỗ trợ xây dựng các văn bản chính sách có liên quan trong lĩnh vực quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích về nguồn gen tại Việt Nam, thí điểm thực hiện các mô hình sử dụng nguồn gen dược liệu và tri thức truyền thống ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe bằng nguồn dược liệu của người Dao đỏ tại tỉnh Lào Cai. Theo ông Nguyễn Văn Tài, dự án này được xây dựng và triển khai sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tăng cường thực hiện quản lý sử dụng nguồn gen bền vững, chú trọng chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen tại Việt Nam.
Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam nhận xét: Việt Nam đã đi tiên phong thực hiện Nghị định thư Nagoya. Dự án này sẽ hỗ trợ giúp Việt Nam thiết lập nền tảng quan trọng cho việc thực hiện lâu dài Nghị định thư Nagoya thông qua xây dựng và triển khai thực hiện khung chính sách, pháp lý và thể chế quốc gia, nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan trong tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
Việc dự án lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình sử dụng nguồn gen dược liệu và tri thức truyền thống ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe bằng nguồn dược liệu của người Dao đỏ tại tỉnh Lào Cai, là một cách tiếp cận đảm bảo cho người dân sống bên trong và xung quanh các khu vực có tài nguyên thiên nhiên được tiếp cận và có quyền sử dụng nguồn tài nguyên đang được công nhận ngày càng rộng rãi.
Ngày 16/12/2016, đại diện các bên liên quan của dự án đã tiến hành đi khảo sát tình hình bảo tồn nguồn gen dược liệu tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai./.