Phát huy mũi nhọn du lịch
Đây là những lợi thế để Tây Bắc đầu tư, phát triển ngành kinh tế dịch vụ du lịch, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua với sự quan tâm của các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp đã đưa việc phát triển du lịch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm của vùng. Cùng với đó là việc Tây Bắc ngày càng quan tâm đến môi trường đầu tư du lịch, có những chính sách, cơ chế thông thoáng thu hút nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch… đã mang lại dấu ấn tăng trưởng của du lịch.
Tại báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, khách du lịch đến Tây Bắc mức tăng trưởng hàng năm bình quân đạt trên 10%. Phấn đấu đến năm 2020 vùng Tây Bắc đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa với 1.900 cơ sở lưu trú, tổng doanh thu du lịch đạt 22.000 tỷ đồng...
Những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín |
Đặc biệt, Tây Bắc đang kỳ vọng du lịch của vùng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ vào năm 2017 khi sự kiện du lịch lớn nhất cả nước Năm du lịch quốc gia được tổ chức tại Tây Bắc, trong đó Lào Cai là “chủ nhà” đăng cai sự kiện này.
Ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, Năm du lịch quốc gia tại Tây Bắc sẽ có 22 sự kiện chính, 23 hoạt động bổ trợ. Hiện các tỉnh trong vùng đang nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho sự thành công của sự kiện. Đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa Tây Bắc của du khách các sản phẩm giới thiệu trong Năm du lịch quốc gia Tây Bắc sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng Tây Bắc, giới thiệu vẻ đẹp của các cộng đồng dân tộc Tây Bắc…; du lịch hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang Tây Bắc; du lịch chợ phiên vùng cao; du lịch tâm linh dọc sông Hồng; du lịch sắc hoa Tây Bắc; du lịch chinh phục đỉnh cao…
Khách du lịch khám phá vẻ đẹp của bản làng Tây Bắc |
Đào thắm Sa Pa (Lào Cai) |
Hiện các địa phương Tây Bắc cũng như Lào Cai đang đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối 8 tỉnh với các trọng điểm kinh tế khác; ưu tiên cho Sa Pa thành Khu du lịch cấp quốc gia và TP. Lào Cai thành điểm du lịch cấp quốc gia từ nay đến năm 2020.
Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh đề nghị hỗ trợ quy hoạch các sản phẩm du lịch đặc trưng theo lợi thế so sánh, đặc thù của từng tỉnh; hỗ trợ tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm…; hỗ trợ cộng đồng các dân tộc Lào Cai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phát triển nghề truyền thống gắn với xóa đói giảm nghèo.