Toàn cảnh Hội thảo |
Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 5 nghìn ha diện tích nuôi cá tra, với sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn, đem về kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 2 tỉ USD. Tuy nhiên, một trong những yếu tố thiếu bền vững của chuỗi sản xuất cá tra hiện nay là sản phẩm làm ra chủ yếu là cá phi lê có mẫu mã đơn điệu và giá trị gia tăng không cao.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp thời gian qua chỉ chú trọng đến việc xuất khẩu chứ chưa quan tâm nhiều đến việc gia tăng giá trị các sản phẩm chế biến từ cá tra…
Một vấn đề nữa cũng được đưa ra bàn thảo đó là thị trường cá tra đang có dấu hiệu sụt giảm ở khu vực Hồng Kông, Liên minh châu Âu cùng một số tác động bất lợi của Farmbill, chống bán phá giá… Điều này cho thấy, Việt Nam cần tập trung vào ổn định, cải tiến quy trình sản xuất – tiêu thụ khép kín, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới cũng như điều tiết giống, xây dựng mô hình 3 cấp trong sản xuất cá tra. Công tác quản lý đăng ký sản xuất phải chú trọng tới thống kê, phân loại cũng như tăng cường quan trắc môi trường và phòng ngừa dự báo. Song song là tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào. Hiện, An Giang xây dựng Đề án xây dựng tỉnh này trở thành trung tâm cung cấp cá tra lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Theo các chuyên gia, việc củng cố lại các chuỗi giá trị liên kết bền vững, tuân thủ các quy định điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận cũng như kiểm soát chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, cần có Đề án sản phẩm quốc gia và tạo dòng sản phẩm mới cũng như tăng cường xúc tiến thương mại và tháo gỡ các rào cản từ các thị trường truyền thống cũng như mở rộng các thị trường mới đồng thời với phát triển mạnh thị trường nội địa một các bài bản, hạn chế rủi ro.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết, với lợi thế và thế mạnh trong xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần chú trọng hơn đến chất lượng cá tra và sản phẩm từ cá tra. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với người nuôi trong chuỗi giá trị để xây dựng thương hiệu. Khi có thương hiệu, doanh nghiệp mới chủ động được thị trường và không bị chi phối bởi giá cả. Phía người nuôi cũng nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định của vùng nuôi theo hướng bền vững, gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, hướng đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
TIN LIÊN QUAN | |