CôngThương - Nghệ An hiện có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất và kinh doanh mặt hàng dệt may, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan; Công ty TNHH Phú Vinh; Xưởng may X20 của Công ty may Lam Hồng (Quân khu IV)…
Để phát triển công nghiệp dệt may trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này.
Có thể kể đến các dự án lớn như: Dự án Xí nghiệp may thêu xuất khẩu Khải Hoàn - Anh Sơn tại Khu công nghiệp nhỏ Anh Sơn (đầu từ hơn 40 tỷ đồng, thu hút 2.000 lao động); Dự án mở rộng Công ty may Minh Anh – Kim Liên tại Khu công nghiệp Bắc Vinh (đầu tư mở rộng 20 tỷ đồng, thu hút hơn 2.000 lao động); Dự án Công ty TNHH Prex Vinh tại khu công nghiệp Lạc Sơn (đầu tư 240 tỷ đồng thu hút hơn 4.000 lao động); Dự án Công ty HAIVINA Kim Liên tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (đầu tư 110 tỷ đồng, thu hút hơn 4.000 lao động); Tổng dự án Cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (đầu tư 1.350 tỷ đồng, thu hút hơn 2.000 lao động ).
Không chỉ lĩnh vực dệt may công nghiệp phát triển, may thời trang tuy là lĩnh vực mới nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều tiềm năng, đang thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nghệ An. Công ty CP Duyên Việt là một ví dụ. Nhắm vào đối tượng khách hàng là các công chức, giáo viên, nhân viên ngân hàng... có mức thu nhập trung bình khá, sản phẩm của công ty chủ yếu là thời trang công sở, thời trang dạo phố.
Mỗi tháng công ty sản xuất và bán khoảng 500-600 sản phẩm ra thị trường. Hiện tại, công ty đã tạo công ăn, việc làm cho khoảng 20 công nhân, với mức lương ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng các em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào dự án thời trang và đào tạo người mẫu với tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng.
Nghị Quyết số 339 ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh Nghệ An về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015 xác định, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 11%-12%; thu ngân sách đạt: 9.500 – 10.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt: 500 -550 triệu USD. Góp phần thực hiện những chỉ tiêu này, mục tiêu cho công nghiệp dệt may Nghệ An năm 2011 là: may dệt kim 16 triệu sản phẩm/năm, tăng 160% so với năm 2010, quần áo may mặc 96 triệu sản phẩm/năm, tăng 115% so với năm 2010, sợi các loại 284.000 tấn, tăng 133% so với năm 2010...
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, phát triển công nghiệp dệt may tương xứng với tiềm năng, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn phục vụ xuất khẩu của tỉnh, Nghệ An đã và đang có các giải pháp như: tăng cường xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm xuất khẩu ở nước ngoài, khuyến khích các cá nhân và tổ chức tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho các dự án mở rộng và đầu tư dệt may về mặt bằng, vay tín dụng ưu đãi...
Kêu gọi đầu tư của các đối tác nước ngoài hoặc người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài; vốn của các tổng công ty và các doanh nghiệp trên địa bàn; vốn vay từ ngân hàng thương mại, từ quỹ hỗ trợ phát triển; ngân sách địa phương; sử dụng Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, Quỹ Khuyến công phục vụ cho chương trình phát triển ngành dệt may của tỉnh.
Đồng thời sẽ triển khai các dự án đầu tư và mở rộng dây chuyền may xuất khẩu tại Khu công nghiệp Nam Cấm, dự án Cụm công nghiệp sản xuất sợi - may Nam Giang, xây dựng một số nhà máy tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Quỳ Hợp theo quy hoạch phát triển ngành dệt may của tỉnh. Song song với việc đầu tư mới của các doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân, đội ngũ quản lý để nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh…