Diễn đàn định kỳ công nghiệp hỗ trợ Việt - Nhật tại TP.Hồ Chí Minh |
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế, thu hút nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam còn non yếu thì việc hội nhập sẽ là thách thức rất lớn. Các DNVVN hiện rất khó vay được vốn từ các tổ chức tín dụng khi không có tài sản thế chấp, chưa tiếp cận phương thức kinh doanh mới... nên năng lực cạnh tranh rất yếu. Hơn nữa các chính sách phát triển CNHT vẫn mang tính khái quát mà chưa có các quy định cụ thể, đặc biệt là các quy định về hỗ trợ vốn cho DN.
Vì thế theo ông Hirotaka cần phải có những chính sách hỗ trợ nhanh, thiết thực để tạo nền tảng vững chắc hơn cho DNVVN nói chung, nhất là DN trong ngành CNHT. Cụ thể, phải xây dựng cơ chế cho các DNVVN tiếp cận được nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ cho ngành CNHT, cơ cấu bảo lãnh tài chính rõ ràng, phải có đủ nguồn tài chính để đầu tư khi DN cần. Bên cạnh đó phải có các chính sách phù hợp, vận dụng hết các văn bản pháp luật để xây dựng cơ chế thông thoáng mới có thể thúc đẩy CNHT phát triển.
Ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) - Đại diện Công ty Minh Trân cho biết Nhà nước phải theo sát DN để đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tế, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, đặc biệt là về các quỹ hỗ trợ cho DN CNHT.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Nhật Bản, ông Hirotaka cho biết thêm, tại Nhật có đến 4 triệu DNVVN được vay ưu đãi đầu tư lãi suất thấp của Chính phủ Nhật Bản. Do vậy, để xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành CNHT thì việc mà Việt Nam cần làm ngay là phải có các chính sách hỗ trợ thật cụ thể, thiết thực cho DN.
Thông tin về Đề án phát triển CNHT của TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Đông- Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho biết hiện Sở đang tập trung cùng các đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án phát triển CNHT đối với 6 ngành hàng gồm: cơ khí điện tử viễn thông, chế biến tinh lương thực thực phẩm, cao su, nhựa, dệt may và da giày. Dự kiến các báo cáo về dự án sẽ hoàn tất trong tháng 1/2016.
Ông Đông cũng cho biết thêm, ngay khi chưa có đề án này, thành phố đã ban hành nhiều quyết định triển khai hỗ trợ các DN CNHT như thành lập trung tâm phát triển CNHT trực thuộc Sở Công Thương. Trung tâm này thực hiện tiếp nhận ý kiến và các dự án về CNHT liên quan đến thành phố, đồng thời phối hợp với các cơ quan tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành sửa đổi quyết định kích cầu đầu tư trong đó tập trung sửa đổi các danh mục, phụ lục kèm theo hướng tập trung vào danh mục CNHT.
Ông Vũ Văn Hoà - Trưởng ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, quỹ hỗ trợ là rất cần thiết, là động lực để phát triển ngành CNHT, tuy nhiên cần có cơ chế thông thoáng để tạo điều kiện cho DN tiếp cận và được hỗ trợ hiệu quả.