Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Sắp có “gậy chỉ đường”
Công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày được đưa vào danh mục ưu tiên phát triển.
Thiếu “xương sống” để phát triển
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, vì thế sản xuất dù đã có nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn nhỏ lẻ và manh mún. Thông tin từ Vụ Công nghiệp nặng- Bộ Công Thương, cho thấy: Vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực điện tử tin học là rất ít, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI; cơ cấu sản phẩm cũng mất cân đối nghiêm trọng khi mới chỉ dừng ở sản xuất sản phẩm dân dụng, thiếu nhiều sản phẩm điện tử chuyên dụng (chỉ chiếm 10-12% cơ cấu hàng hóa của ngành) và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp cũng như nguyên vật liệu đang phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam hiện chưa có một cơ sở sản xuất công nghiệp nào tham gia vào việc sản xuất vật liệu điện tử.
Ở ngành dệt may, không chỉ hầu hết các phụ tùng chi tiết của máy móc thiết bị cũng như nguyên phụ liệu phải nhập khẩu mà các loại hóa chất như thuốc nhuộm, xơ sợi cũng phải mua phần lớn từ nước ngoài. Việt Nam mới chỉ có các cơ sở sản xuất một số chủng loại phụ liệu chính như: chỉ may, bông tấm, mếch dính, cúc nhựa, khóa kéo, băng chun, nhãn mác, bao bì… và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong nước.
Ngành sản xuất lắp ráp ô tô được kỳ vọng với nhiều chính sách ưu đãi phát triển nhưng đến nay tỉ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 10% đối với xe con, do dung lượng thị trường thấp nên không thu hút được doanh nghiệp sản xuất phụ tùng tham gia chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, ngành cơ khí chế tạo- xương sống cho một nền công nghiệp phát triển- cũng chưa có sự chuyển biến tích cực nếu không muốn nói là đã quá tụt hậu so với sự phát triển chung của thế giới. Các công nghệ tạo phôi, nhiệt luyện hay gia công kim loại của ngành cơ khí đều quá lạc hậu, sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường.
49 sản phẩm trong danh mục ưu tiên phát triển
Tại buổi làm việc ngày 22/6/2011 với các đơn vị liên quan tới việc thực hiện Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo: Sẽ phải hoàn chỉnh đợt 1 danh mục các sản phẩm cần ưu tiên phát triển trong tháng 6 và trình Thủ tướng Dự thảo vào đầu tháng 7/2011 để Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, sẽ bổ sung thêm các sản phẩm vào danh mục ưu tiên nếu thấy cần thiết.
Theo dự thảo mà Vụ Công nghiệp nặng đề xuất, sẽ có 49 sản phẩm thuộc 6 ngành nằm trong “Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển”, gồm: điện tử- tin học, dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân cho rằng: “Việc xây dựng và ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là hết sức cần thiết nhằm tập trung ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quan trọng, tránh ưu đãi tràn lan gây lãng phí”.
Ông Phan Đăng Tuất- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp- bày tỏ: “Danh mục này là công cụ điều tiết để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách này sẽ hấp dẫn hơn nếu có được các khu chuyên biệt cho từng lĩnh vực ưu tiên. Chúng tôi đề nghị dành quỹ đất để thành lập 2 khu cho phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực điện tử và cơ khí ở Bà Rịa- Vũng Tàu và Hải Phòng. Đây là thời cơ thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản vào lĩnh vực này”.
Được biết, sản phẩm thuộc danh mục ưu tiên được lựa chọn theo các tiêu chí như có tính thích ứng cao, sản phẩm thường xuyên phải thay thế, có sản lượng lớn, có khả năng xuất khẩu, không tạo lợi thế so sánh cho bất cứ nhà sản xuất nào, tận dụng được nguyên liệu trong nước… Đối với sản phẩm công nghệ hỗ trợ để phát triển công nghiệp công nghệ cao, ngoài việc lựa chọn theo nguyên tắc chung thì phải là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm công nghệ cao hoàn chỉnh thuộc danh mục ưu tiên trong lĩnh vực này theo Quyết định 49/2010 của Chính phủ. Khi đầu tư sản xuất những sản phẩm thuộc danh mục ưu tiên phát triển, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được ưu đãi về quỹ đất, thuế xuất nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ về kinh phí thực hiện; được vay một phần vốn tín dụng đầu tư cũng như được xem xét áp dụng cơ chế ưu đãi thích hợp theo từng dự án.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện danh mục các sản phẩm hỗ trợ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc để phát triển công nghiệp hỗ trợ nhanh và bền vững.
Thùy Linh