Phát triển công nghiệp nhìn từ nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Định hướng và thành tựu
Trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" vào câu "Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới" để thành "đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đây là một điểm mới hết sức quan trọng của Nghị quyết, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp những năm tới để nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhìn lại nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp được quan tâm đẩy mạnh, đạt một số thành tựu; nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được; trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp,... Đây là hạn chế, điểm yếu quan trọng của nước ta.
Trong những năm tới, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế hết sức gay gắt, quyết liệt, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của công nghiệp nói chung và nền kinh tế đặt ra cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước ta. Vì vậy, bổ sung nội dung này vào mục tiêu tổng quát trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là quan trọng, cần thiết để nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả cao hơn trong những năm tới.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hoá mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới”.
Với tầm nhìn chiến lược, bám sát nền sản xuất công nghiệp và kinh tế công nghiệp của thế giới hiện đại, Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa và bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Đây là cơ sở quan trọng hàng đầu để Chính phủ và các cấp, các ngành xây dựng những chính sách cụ thể, kịp thời và hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu đất nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt phát triển công nghiệp |
Khẩn trương cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Điểm chung của 6 Nghị quyết về phát triển các vùng lần này đã nêu yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Cũng trong các nghị quyết về phát triển các Vùng trên cả nước, lần đầu tiên định hướng phát triển công nghiệp dựa trên thế mạnh từng vùng đã được Đảng ta xác định rõ. Trong đó Vùng Đông Nam Bộ phải trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao. Vùng Tây nguyên ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm. Vùng đồng bằng Sông Hồng tập trung cho phát triển kinh tế số. Vùng duyên hải miền Trung phát triển kinh tế biển.
Đáng chú ý trong năm 2022, với vai trò quản lý nước của mình, Bộ Công Thương đã nỗ lực tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây là lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết chuyên đề về công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Một điểm nhấn quan trọng nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW là đã làm rõ lộ trình, bước đi trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện.
Theo đó “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát trển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng”.
Ở đây một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao được xác định là những ưu tiên phát triển bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô-bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp và vật liệu mới.
Đặc biệt Bộ Công Thương được Trung ương tin tưởng giao trọng trách khẩn trương xây dựng để trình ra Quốc hội thông qua trong thời gian tới Luật Phát triển công nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm phát triển công nghiệp, nước ta mới có được một đạo luật quan trọng này để cụ thể hoá những chủ trương, quan điểm phát triển công nghiệp nêu trong
Có thể nói các thành tựu của đất nước trong những năm qua, đặc biệt là trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng như Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia năng lực cạnh tranh toàn cầu và Việt Nam vào vị trí 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới đều mang dấu ấn của phát triển công nghiệp.
Công nghiệp hiện là ngành xuất khẩu chủ lực, có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành kinh tế quốc dân. Cùng đó công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 25,6% năm 2022.
Một số thành tựu khác trong phát triển công nghiệp thời gian gần đây là công nghiệp của Việt Nam đã được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng của ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế như dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu); giầy dép các loại (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu); điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới); sản phẩm đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu)...
Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực như: cơ khí, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; điện, điện tử; quang học; đóng mới, sửa chữa tàu và công trình thủy; sửa chữa máy bay, ra đa...
Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu.
Thời gian tới việc triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi việc hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai,… đủ mạnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cùng đó xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.
Nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may – da giày giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tới đây sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển ngành giấy giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chiến lược ngành ô tô giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.