Chính sách thuế, phí vẫn cao
Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, định hướng về phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đã được hoạch định rất rõ là đảm bảo nội địa hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và thị trường. Theo đó Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh; tham gia xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Tọa đàm
Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô trong nước cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay còn rất cao, nên có lộ trình giảm. Ông Dương nhấn mạnh, dòng ôtô chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chủ yếu là nhóm xe dưới 24 chỗ ngồi - cũng chính là nhóm được xác định là sản phẩm chủ lực, được ưu tiên khuyến khích phát triển trong thời gian tới như Chiến lược mới đã nêu ra. Chính vì thế, nên xem xét lại chính sách thuế đánh vào nhóm hàng này. Nếu vẫn còn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì có nghĩa là dù có được nâng tầm là dòng xe chủ lực đi nữa cũng chẳng thể phát triển được gì.
Ông Dương lo ngại với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe ô tô theo AFTA về mức 0%, chắc chắn giá xe ô tô sẽ rẻ hơn, trực tiếp cạnh tranh với các sản phẩm xe nội địa. Hiện, hãng xe Toyota đang “cầm trịch” thị trường xe ô tô con tại Việt Nam với linh kiện chủ yếu nhập từ Asean chỉ bằng 5%, nên ông Dương tính toán để Thaco tham gia thị trường và cạnh tranh được, thì phải giảm giá thành từ 15 – 20%.
Tại cuộc tọa đàm nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế, phí cao đối với ô tô nhập khẩu thời gian qua đã đẩy giá bán ô tô lên cao (thậm chí gấp 2-3 lần giá gốc) đã làm hạn chế sức mua của thị trường và bảo hộ lớn cho các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Về vấn đề này, ông Lưu Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính giải thích, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã bỏ quy định về thuế nhập khẩu theo dạng lắp ráp (CKD). Theo đó, hiện nay chỉ còn thuế nhập khẩu biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của xe nguyên chiếc (CBU) và thuế nhập khẩu MFN của linh kiện, phụ tùng xe. Bởi vì ô tô là loại hàng hóa cần hướng dẫn sản xuất và định hướng tiêu dùng gắn với điều kiện kinh tế, xã hội và hạ tầng giao thông của đất nước trong từng thời kỳ. Các chính sách thuế, phí được ban hành còn nhằm các mục tiêu như khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế ùn tắc giao thông …Ông Huy cũng nhấn mạnh,thuế suất cao hay không thì các DN cần báo cáo để Bộ Tài chính điều chỉnh xem xét.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP ô tô Trường Hải phát biểu ý kiến
Gỡ khó để nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo các doanh nghiệp tham dự tọa đàm, có một thực tế, Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt từ tháng 7/2014, song đến nay vẫn chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể để các DN hoạch định chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Trong khi đó, với thị trường tiềm năng 90 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ xe ô tô ngày càng tăng lên. Gỡ khó cho vấn đề này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong khuôn khổ bối cảnh mới cần thận trọng nghiên cứu chính sách, đánh giá tổng thể tác động chính sách, nên dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế, chính sách thực hiện phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Bộ Công Thương nghiên cứu bước đầu, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ, bàn kỹ và sâu hơn, làm cẩn trọng để có chính sách thực sự khả thi.
Ông Yishihisa Maruto- Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, thì chính sách có vai trò rất quan trọng. “Làm sao phát triển ngành sản xuất trong nước, thị trường phát triển ổn định đúng như chúng ta mong đợi, trên cơ sở duy trì chính sách nói chung và chính sách thuế ổn định, giúp cho thị trường có sự tăng trưởng cao”. Cũng theo ông Yishihisa Maruto việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là một yêu cầu khách quan của bất cứ quốc gia nào mong muốn có ngành sản xuất ô tô phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa cao còn tạo ra nhiều việc làm, tiếp thu được kỹ thuật và công nghệ hiện đại, qua đó phát triển được nguồn nhân lực nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.
Trước những ý kiến của đông đảo DN, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định:Trong thời gian tới, ngành công nghiệp ôtô vẫn sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra là tập trung nội địa hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và thị trường.