CôngThương - Thực trạng SI Việt Nam: yếu vĩ mô, khỏe vi mô
Trong nhóm SI nhà nước, một số đang bị thu nhỏ dần do kết quả của quá trình cải cách bằng các biện pháp giải thể, tư nhân hóa. Những doanh nghiệp còn lại, chưa cải cách được thì sản xuất èo uột. Có những doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất theo kế hoạch trên (tổng công ty mẹ) giao, dẫn tới tình trạng diện tích nhà xưởng thì lớn, máy móc thiết bị mới đầu tư đắp chiếu ngủ, trong khi dây chuyền sản xuất mang tính thủ công cao. Thu nhập của các doanh nghiệp này là từ hoạt động cho (doanh nghiệp tư nhân) thuê lại một phần nhà xưởng.
Nhóm SI nước ngoài, bên cạnh một số giới hạn các nhà cung cấp phụ kiện đi theo các hãng sản xuất lớn như Canon, Toyota... thì số doanh nghiệp SI độc lập còn rất ít. Thời gian gần đây, nhận thấy nhu cầu SI ở Việt Nam, đã có những doanh nghiệp nước ngoài (Nhật, Đài Loan...) nhảy từ các nước lân cận sang. Tuy nhiên sự gia tăng này vẫn chưa thấm gì so với khoảng trống SI hiện tại.
Nhóm thứ ba, SI tư nhân Việt Nam, năng lực còn thấp (về trình độ, quy mô, năng lực cung cấp), vì tuổi đời thành lập còn đang rất trẻ. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân đều mới chỉ bắt đầu triển khai đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị một cách quy mô để tham gia vào hoạt động sản xuất từ sau năm 2000, khi chế độ đăng ký thành lập doanh nghiệp được tự do cởi mở. Với tuổi đời chừng chưa đầy 10 năm và bắt đầu gần như từ con số không (về công nghệ cũng như kỹ năng quản lý kinh doanh), không thể đòi hỏi nhiều doanh nghiệp SI tư nhân có khả năng đáp ứng những yêu cầu của các nhà sản xuất tầm cỡ.
Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ trong thực tế, không phải không có những doanh nghiệp SI tiềm năng mạnh. Nếu giới hạn trong phạm vi khối doanh nghiệp tư nhân thì có thể tóm tắt thực trạng về sức cạnh tranh của SI Việt Nam bằng một câu: Mạnh vi mô, yếu vĩ mô.
Mạnh vi mô ở đây hàm ý có không ít doanh nghiệp tuổi đời chưa tới mười năm nhưng phát triển nhanh và vững chắc. Trong số này, nhiều công ty xuất phát từ quy mô sản xuất kiểu gia đình, hay là sự tụ họp của đôi ba người bạn trẻ tốt nghiệp đại học chưa lâu, có tâm huyết và cùng chí hướng.
Trong một chuyến khảo sát thực tế ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam vừa qua tác giả đã có dịp gặp phỏng vấn những doanh nghiệp như vậy.
Ví dụ thứ nhất
Một doanh nghiệp sản xuất bao bì carton, giám đốc (phụ trách kỹ thuật công nghệ) và phó giám đốc (quản lý kinh doanh) là một cặp vợ chồng đều là kỹ sư, chuyên môn gốc chẳng liên quan tới gì tới kỹ thuật làm giấy. Hơn năm năm trước, họ bắt đầu sự nghiệp bằng một dây chuyền sản xuất giấy, quy mô khá khiêm tốn. Những bộ phận chính (lô sấy, động cơ...) mua từ Trung Quốc, còn đồ gá và phụ kiện do giám đốc tìm kiếm từ các nhà sản xuất trong nước. Sản phẩm của nhà máy lúc đầu chỉ cung cấp cho các nhà chế tạo bìa carton địa phương, thậm chí chỉ là giấy để làm phần lõi (cuộn sóng) của bìa carton, vốn không yêu cầu độ dai, mịn hay độ đều màu cao.
Nhưng với sự bền bỉ và nỗ lực, doanh nghiệp của anh chị đã liên tục mở rộng sản xuất và đầu tư mới dây chuyền thiết bị. Từ chỗ một dây chuyền giấy, nhà máy đã có thêm bốn dây chuyền mới (dài gấp ba dây chuyền ban đầu) chế tạo được những loại giấy cao cấp hơn (bóng mặt, đều màu và dai). Không chỉ dừng ở khâu làm giấy nguyên liệu, mà các dây chuyền máy gấp sóng, máy cắt, ép, máy in lần lượt được trang bị cho các công đoạn sản xuất bìa carton, cắt dập làm bao bì, và in ấn theo đơn đặt hàng. Sau hơn năm năm hoạt động, sản phẩm của nhà máy giờ đây là những bao bì carton hoàn chỉnh, hơn phân nửa đầu ra hiện nay cung cấp cho các nhà sản xuất nước ngoài tại địa phương.
Hiện tại doanh nghiệp đang rất cần mở rộng quy mô sản xuất bởi dù nhà máy chạy hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng kịp đơn đặt hàng. Tuy nhiên tìm kiếm hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp không quan tâm, vì mất thời gian và nếu có cũng phải ở vị thế người đi xin.
Chị phó giám đốc chỉ cho chúng tôi xem một bộ lô sấy của Trung Quốc mới được mua về. Trước đây họ cũng đã từng dò hỏi nhiều nhà sản xuất trong nước nhưng quá mất công, chỉ có một vài bộ phận (khung, giá...) hoặc tự chế hoặc mua từ các doanh nghiệp nội địa. Thực tế này cho thấy có nhu cầu về một mạng lưới hỗ trợ thông tin đáng tin cậy, kết nối các nhà sản xuất SI trong nước với nhau.
Ví dụ thứ hai
Một SI tư nhân khác là một doanh nghiệp cơ khí mới thành lập chưa tới ba năm, bởi một nhóm ba người bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học vài năm. Quy mô doanh nghiệp cũng còn nhỏ bé, thiết bị chỉ vài ba máy cắt, hàn, tiện, khoan, chấn. Cũng có những loại máy tiên tiến như máy cắt dây tia điện (wire cut machine) có hỗ trợ điều khiển bằng máy tính (CNC). Xuất phát điểm chỉ bằng những hợp đồng gia công các khung giá kim loại, rồi dần dần là những bộ phận yêu cầu độ chính xác cao hơn như những con lăn (làm băng chuyền) hay thiết bị có cấu trúc phức tạp hơn như xe nâng thủ công... cả theo đơn đặt hàng, cả tự thiết kế phát triển sản phẩm riêng.
Tuy nhiên bằng sức trẻ, với những máy móc thiết bị phù hợp (hầu hết là loại đã qua sử dụng nhưng công nghệ không lạc hậu), vượt qua những cuộc thi tuyển chế tạo những sản phẩm mẫu với yêu cầu kỹ thuật khá cao (độ tinh, chính xác ngang tầm những chi tiết trong động cơ ô tô), dần dần công ty đã có được những đơn đặt hàng từ châu Âu và cả những công ty Nhật tên tuổi có cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Khi hướng dẫn tham quan xưởng, bạn phó giám đốc trẻ tự hào giới thiệu một thiết bị kiểm tra tự động (lắp đặt trong dây chuyền sản xuất tự động) đang được hoàn chỉnh khâu cuối để chuẩn bị giao cho khách hàng là Toshiba. Nếu không chứng kiến thực tế thì khó có thể tin một thiết bị hiện đại như vậy lại được chế tạo bởi doanh nghiệp trẻ này.
Hai ví dụ này cũng như nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành hay khác ngành mà tác giả đã theo dõi từ nhiều năm nay, có chung một đặc điểm là có những người giám đốc vừa có năng lực vừa có nỗ lực cao. Từng doanh nghiệp riêng lẻ đều đang tự mình tìm kiếm và trang bị sức mạnh riêng cho mình mà không ngồi trông chờ chính sách hỗ trợ.
Về mặt lý luận theo cơ chế thị trường tự do, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân và quá trình đào thải qua cạnh tranh sẽ tạo nên một nền công nghiệp mạnh. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào “bàn tay vô hình” thì quá trình đó sẽ đòi hỏi một thời gian khá dài. Hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, sức ép của tự do mậu dịch và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, thì dù công nghiệp SI có phát triển nhưng liệu có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam góp mặt trong đó là một vấn đề cần suy nghĩ. Bởi vậy, song song với quá trình tự do hóa, cần có một chiến lược hỗ trợ để đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp SI nội địa, một bộ phận cơ bản của nền công nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Xây dựng mạng lưới (network) liên kết các doanh nghiệp: góp gió làm bão
Không phải không có những doanh nghiệp SI tiềm năng mạnh. Nếu giới hạn trong phạm vi khối doanh nghiệp tư nhân thì có thể tóm tắt thực trạng về sức cạnh tranh của SI Việt Nam bằng một câu: Mạnh vi mô, yếu vĩ mô. |
Trở lại với câu hỏi cốt lõi về vấn đề làm sao để phát triển SI Việt Nam, trước hết cần khẳng định, sứ mệnh này chỉ có thể trông chờ vào sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân với triết lý “kiếm mảnh trời riêng”, tìm những phân mảnh thị trường tránh đối đầu trực tiếp với khối doanh nghiệp nhà nước hay nước ngoài (xe máy, phụ tùng xe máy giá rẻ cung cấp cho các khu vực miền núi là một ví dụ), khiến hầu hết các doanh nghiệp SI tư nhân hoạt động trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ. Cùng với hạn chế trong trao đổi thông tin và hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, kết quả là dù có những thành viên đầy tiềm năng, nhưng trên toàn cục đội ngũ doanh nghiệp SI tư nhân của ta không có được một sức mạnh tổng hợp.
Muốn tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho cả nền công nghiệp SI, cần xây dựng một mạng lưới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp SI tư nhân trao đổi thông tin chặt chẽ, tận dụng những cơ hội liên kết, hợp tác, tự hỗ trợ lẫn nhau, cũng như đưa ra những yêu cầu hỗ trợ cải thiện điều kiện kinh doanh với các nhà lập chính sách.
Vấn đề cơ bản ở đây là, mạng lưới này phải do các doanh nghiệp SI tư nhân tự nguyện tham gia sáng lập, chứ không thể trông chờ vào Chính phủ. Chỉ khi là sản phẩm tự thân của các doanh nghiệp tư nhân, nó mới có thể hoạt động với tinh thần phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, và vì lợi ích của mỗi thành viên.
Về nguyên tắc mạng lưới SI này phải tạo ra được một sân chơi chung, khuyến khích các doanh nghiệp thành viên giao lưu trao đổi hỗ trợ tri thức kỹ thuật, quản lý kinh doanh, đồng thời thu thập những tư liệu từ hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để đưa ra những yêu cầu hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các các nhà lập chính sách. Kinh nghiệm phát triển SI của các nước đi trước từ Nhật, Hàn Quốc, hay gần đây hơn là Thái Lan, Malaysia cũng như vậy. Các doanh nghiệp SI của các nước này một mặt liên kết chặt chẽ với nhau, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau, mặt khác cùng nhau đề đạt với chính phủ những yêu cầu về hỗ trợ về mặt chính sách tạo điều kiện cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh thực tế.
Chính sách hỗ trợ của họ, vì vậy, được xây dựng xuất phát từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp đề đạt nên mới hiệu quả, chứ không phải là những “con voi” do các chuyên gia lập chính sách vẽ ra theo trí tưởng tượng theo kiểu ta. Ở đây cần chú giải thêm, chính sách hỗ trợ của các nước này không phải là chế ra những miếng bánh độc quyền để phân phát cho các doanh nghiệp, mà là quá trình nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn, kích thích nỗ lực sáng tạo, giúp các doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.