Phát triển điện rác: Đừng để dự án “nằm trên giấy”
Tiềm năng lớn, dự án không nhiều
Tại Việt Nam, bình quân mỗi ngày, có khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Lượng rác hiện nay chưa được sử dụng triệt để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt, đốt kết hợp với thu hồi năng lượng.
Nhà máy xử lý rác thải Hoàng Mai (Nghệ An) do Tập đoàn Công nghệ T-Tech tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ |
Công nghệ đốt rác phát điện đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như khối các nước châu Âu, Nhật Bản… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại có thể thu hồi năng lượng. Trong khi đó, việc xử lý rác thải bằng phương pháp đốt kết hợp với thu hồi năng lượng (điện rác) đạt hiệu quả cao nhưng còn rất ít ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, bên cạnh một số ít nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động ở Hà Nam, Cần Thơ, Quảng Bình, nhiều địa phương cũng tổ chức triển khai thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Cụ thể: Dự án Nhà máy điện rác Vĩnh Tân (tỉnh Đồng Nai), công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW; Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội), công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW; Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản (Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), công suất 500 tấn/ngày; Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Nhà máy đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương)… Tuy nhiên, đa số các dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư hoặc vẫn “nằm trên giấy”.
Khó nhiều bề
Ông Phạm Nguyên Hùng -Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) - cho biết, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Thế nhưng, doanh nghiệp gặp không ít rào cản về chính sách, dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech - chia sẻ, dù sử dụng loại công nghệ theo phương án nào, hiệu suất điện năng của các nhà máy điện rác đều ở mức nhỏ, cao nhất cũng chỉ 30%. Do công suất điện phát lên lưới quốc gia cũng sẽ nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường chậm, từ 10 - 20 năm. Do vậy, nếu không có chính sách khuyến khích, rất khó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.
Khó khăn nữa phải kể đến là giá mua điện cho các dự án điện rác. Thông tư 32/2015/TT-BCT ngày 8/10/2015 của Bộ Công Thương quy định, các dự án đốt rác phát điện được bán lại toàn bộ sản lượng điện cho ngành điện. Tuy nhiên, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác, nhưng chưa có quy định về giá mua điện đối với các công nghệ mới này.
Do khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng, thuế đất, giá mua điện, chính sách ưu đãi… nên nhiều dự án điện rác chưa thể triển khai. |