Phát triển kinh tế biển miền Trung: còn thiếu một “nhạc trưởng”!
- Tuy nhiên, việc phát triển khu kinh tế biển tại miền Trung không thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng những tuyến giao thông ven biển liên tỉnh.
Theo TS Nguyễn Văn Phúc, tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, vấn đề khiếm khuyết của việc phát triển kinh tế biển tại miền Trung là thiếu “nhạc trưởng” quy hoạch và thiếu cơ chế phối hợp giữa các tỉnh và các ngành liên quan. Ví dụ như ngành khai thác và chế biến thuỷ sản. Vùng ven biển miền Trung có chín tỉnh, với tám khu kinh tế ven biển, bốn cảng hàng không quốc tế, nhiều chuỗi đô thị đang được hình thành gắn kết với nhau. Theo TS Hồ Kỳ Minh, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng, ngành thuỷ sản ở khu vực này có rất nhiều tiềm năng, nhưng do thiếu sự liên kết giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị hải sản, nên đã xảy ra tình trạng như: tranh mua nguyên liệu, nhà máy hoạt động cầm chừng, làm nản lòng nhà đầu tư…
Tại hội thảo khoa học về phát triển kinh tế biển đảo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng của các tỉnh duyên hải miền Trung mới vừa được tổ chức, lãnh đạo mỗi tỉnh đều phát biểu về định hướng phát triển của địa phương mình, nhưng hầu như không có tỉnh nào đặt mình trong tổng thể quy hoạch phát triển chung của vùng. “Vì sao lúc này, lúc khác, các địa phương, các ngành trong khu vực vẫn hành động cục bộ, khép kín, mạnh ai nấy làm?”, ông Phúc đặt câu hỏi.
Theo ông Phúc, hiện tại ở các tỉnh ven biển miền Trung vẫn còn sự phân tán, thậm chí khép kín, biệt lập giữa các ngành trong tỉnh, giữa các địa phương trong vùng, dù hầu như tỉnh nào cũng định hướng, quy hoạch, xây dựng các mô hình về cảng nước sâu, nhà máy lọc dầu, khu công nghiệp, cầu cảng hàng không… “Toàn vùng đang rất cần một nhạc trưởng hay một trung tâm điều phối chung về đất đai, dân số, môi trường”, ông Phúc nói.
TS Nguyễn Đăng Đạo, phó tổng cục trưởng tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam thuộc bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển khu vực này. Bảy cơ chế phối hợp cần xây dựng được ông Đạo đề xuất gồm: cơ chế phối hợp phát triển kinh tế; điều tra tài nguyên; kiểm soát môi trường; tuyên truyền về biển đảo; phòng chống thiên tai; tìm kiếm cứu nạn; phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, những ý kiến này mới chỉ là gợi mở. Việc tìm một “nhạc trưởng” cho phát triển kinh tế biển tại miền Trung vẫn còn chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
Theo SGTT