Phát triển mô hình du lịch trải nghiệm
Mở các điểm du lịch sinh thái
Theo UBND huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có 6 – 7 điểm tham quan du lịch sinh thái. Du khách đến đây sẽ được hòa mình với thiên nhiên, đắm say với những vườn quýt, cam bạt ngàn. Đến một số điểm tham quan, du khách sẽ được tự do chụp ảnh, hái trái và cân ký trả tiền theo thời giá. Những năm qua, để bổ túc thêm kiến thức về du lịch, nhiều chủ vườn đã tham gia các lớp tập huấn từ tỉnh, huyện. Đặc biệt, nhiều vườn còn dành riêng một diện tích quýt hồng để du khách lựa mua và tự cầm kéo cắt. Du khách đến Lai Vung còn có những giây phút thư giãn tuyệt vời khi được cùng ăn, cùng ở với người dân qua dịch vụ homestay trong “Ngôi nhà Quýt”. Đặc biệt là thưởng thức những món ăn đậm chất bản địa của Lai Vung theo đúng nghĩa “du lịch thực dưỡng”. Một số nhà vườn không tính tiền vé mà tính vào giá quýt (theo giá bán lẻ của thị trường) cho khách tham quan. Để hỗ trợ các nhà vườn, huyện đẩy mạnh liên kết nhiều mảnh vườn nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách tham quan.
Thu hoạch quýt hồng Lai Vung |
Đổi mới tư duy trồng cây
Bên cạnh nhà vườn làm du lịch, từ lâu, việc trồng quýt hồng trong chậu kiểng phục vụ tết là mô hình đổi mới tư duy trồng cây của nhà nông huyện Lai Vung. Mặc dù quýt trồng trong chậu năm nay khan hiếm nhưng các nhà vườn vẫn cố gắng duy trì giá bán dao động từ 2 - 8 triệu đồng/chậu tùy theo chậu quýt có trái to hay nhỏ, đẹp hay xấu. Một số chậu cây quýt to, trái sai và đẹp có thể lên đến 10 triệu đồng. Để trồng được quýt hồng kiểng phải chuẩn bị trồng cây con hơn 3 năm. Sau đó, nhà vườn chọn cây quýt phát triển chuyển vào chậu. Về kỹ thuật chiết cành, nuôi dưỡng cây quýt trên liếp đất rồi cho vào chậu xử lý ra bông như những năm trước. Để bảo vệ trái quýt không bị rụng, ngoài việc che màng phủ, các nhà vườn đào hố rồi đưa chậu quýt âm xuống đất. Cách này giúp cây giữ ẩm tốt và nguồn dinh dưỡng cho cây cũng nhiều hơn, cây cho trái to, màu sắc đẹp. Trồng quýt hồng kiểng rất vất vả vì kỹ thuật phức tạp so với trồng quýt hồng trong điều kiện bình thường. Điều này đòi hỏi người trồng phải có tay nghề cao, tính nhẫn nại, chuyên cần. Vì vậy, dù quýt kiểng giá cao và luôn hút hàng nhưng số lượng trồng lại rất hạn chế. Vì vậy, sản phẩm sản xuất ra đều được các cơ quan, công ty đặt mua hết.
Để duy trì, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm gắn với phát triển vườn cây ăn trái trên địa bàn, huyện Lai Vung đề nghị, thời gian tới, các ngành hữu quan cấp tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ địa phương và người dân tham gia hoạt động du lịch như: Quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho Lai Vung phát triển du lịch; tổ chức Tuần lễ du lịch đẩy mạnh quảng bá. Đồng thời, tỉnh cần sớm xúc tiến việc xây dựng trạm dừng chân của huyện, tạo điều kiện thuận lợi quảng bá các sản phẩm du lịch Lai Vung... Bên cạnh đó, huyện sẽ có hướng hỗ trợ người dân sớm khôi phục lại các điểm du lịch. Trong đó sẽ điều chỉnh lại các điều kiện giúp người dân dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ và cho vay đối với những hộ tham gia hoạt động phát triển du lịch. Về loại hình quýt hồng lên chậu, huyện sẽ khuyến khích nông dân phát triển và có những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho các hộ trồng để góp phần nâng cao hiệu quả thương hiệu quýt hồng Lai Vung.