Petrovietnam – những người mở lối
Điện gió ngoài khơi - nguồn điện xanh thế hệ mới có lịch sử phát triển khoảng 30 năm gần đây tại các nước Đan Mạch, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Cop 26 năm 2021 (tại Anh) trên thế giới đã hình thành liên minh các quốc gia điện gió ngoài khơi (GOWA). Xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh, hiện tại là 57 GW và có thể đạt 500 GW lắp đặt vào năm 2040, 1.000 GW vào năm 2050. Việt Nam có tiềm năng kinh tế kỹ thuật điện gió ngoài khơi trên 600 GW, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, đầu tư các dự án. Để phát triển bền vững ngành điện gió ngoài khơi, cần sớm có nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy điện gió ngoài khơi (luật, chiến lược quốc gia về điện gió ngoài khơi và các văn bản chính sách liên quan...).
Tại Việt Nam, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn.
Theo tính toán, khu vực có độ sâu đáy biển trên 20m thì tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 165.000 MW. Trong đó, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt, chủ yếu tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ (gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với tổng tiềm năng khoảng 80.000 MW với tốc độ gió trên 7-9 m/s.
Mô hình dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Với tiềm năng đó, theo ông Thi, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong đó, điện gió ngoài khơi được xác định là một trong những giải pháp hiệu quả trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là nội dung có liên quan chặt chẽ đến Quy hoạch không gian biển đang được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập và sẽ được trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Trước những tiềm năng và cơ hội rất lớn, để “bật sáng” những “mỏ năng lượng”, Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao cho Petrovietnam là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung. Sự kiện này cũng thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực mới mẻ này tại Việt Nam.
Theo đó, cuối tháng 8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng đại diện lãnh đạo các Bộ/ngành hai nước và lãnh đạo Petrovietnam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã trao Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho đơn vị thành viên của Petrovietnam, để chuẩn bị cho việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh Việt Nam – Singapore đã thiết lập “Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh”, tạo điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới, hướng tới phát triển xanh, bền vững như năng lượng tái tạo, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc Dự án phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi của Liên danh PTSC (Petrovietnam) – Sembcorp (Singarpore) nhận được các giấy phép liên quan trong khuôn khổ chương trình đã thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ hai nước dành cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng tái tạo.
Giúp điện gió ngoài khơi “bật sáng”
Được biết, sau khi nhận được giấy phép, Liên danh PTSC - Sembcorp sẽ triển khai các công tác đo gió, khảo sát biển và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết để triển khai công tác đầu tư, phát triển dự án.
Trước đó, vào tháng 2/2023 tại Singapore, PTSC và Sembcorp đã ký và trao Thỏa thuận Phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, PTSC và Sembcorp sẽ hợp tác theo hình thức độc quyền để đầu tư dự án sản xuất khoảng 2,3 GW điện từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và xuất khẩu sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển, đáp ứng nhu cầu điện sạch từ năm 2030 của Singapore.
Có thể thấy, việc trao quyết định chấp thuận cho Petrovietnam thể hiện sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là sự tin tưởng xuất phát từ những nguồn lực sẵn có của Petrovietnam. Đồng thời đánh đấu bước chuyển mình quan trọng của ngành Dầu khí sang giai đoạn phát triển mới, mở ra những cơ hội mới cho Petrovietnam.
PTSC lắp đạt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận |
Hiện tại, Petrovietnam là Tập đoàn kinh tế lớn nhất trong số những doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giữ vai trò, vị trí chủ lực trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cũng như tham gia gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển. Với những đóng góp lớn của mình, trong Dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định Petrovietnam sẽ là một "doanh nghiệp đầu đàn" phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt giữ vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Petrovietnam chia sẻ: “Chuyển dịch năng lượng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi và luôn nhận thức đó xu hướng tất yếu không thể thay đổi, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc". Đây cũng là mục tiêu và là nhiệm vụ bắt buộc đối với Petrovietnam – Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng chủ lực của nền kinh tế.
Với sứ mệnh tiên phong đó, từ năm 2019, Petrovietnam đã bắt đầu xây dựng kế hoạch, lộ trình liên quan đến chuyển dịch năng lượng trên tinh thần triển khai mang tính liên tục, lâu dài. Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên cũng có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển dịch năng lượng bằng việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế. Tập đoàn cùng các đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm đánh giá về cơ hội và chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng khả năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Petrovietnam cũng điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000 - 14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất đặt của Petrovietnam. Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm từ 8-10% tổng công suất Hệ thống điện Việt Nam và tỷ trong nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi là một lĩnh vực mới mẻ với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Để triển khai các dự án này bên cạnh việc có kinh nghiệm, năng lực trong việc thiết kế, thi công các công trình trên biển còn cần một yếu tố nữa đó là tiềm lực tài chính. Kết thúc năm 2022, Petrovietnam đạt doanh thu kỷ lục gần 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu và chiếm tỉ lệ lớn trong tổng doanh thu của các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước. Đặc biệt, với việc xếp hạng tín nhiệm của Petrovietnam ngang bằng với tín nhiệm quốc gia là cơ sở để Petrovietnam thu xếp vốn cho các dự án một cách thuận lợi và có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch.
Với những lợi thế sẵn có, cùng niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho Petrovietnam sẽ là “giấy chứng nhận” uy tín nhất để đảm bảo Petrovietnam thực hiện tốt sứ mệnh tiên phong của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam xanh và bền vững trong tương lai.