CôngThương - Kế hoạch thực hiện
Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trên cơ sở phê duyệt về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị công bố Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có sự tham gia của một số bộ, ngành liên quan, gần 200 DN thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô và đại diện một số tỉnh, thành phố. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bô Công Thương Lê Dương Quang nêu lên ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Dương Quang chủ trì hội nghị
Để có cơ sở triển khai thực hiện chiến lược và quy hoạch, ông Nguyễn Mạnh Quân- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương- đã báo cáo về Kế hoạch thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành CN ô tô trong thời gian tới với lộ trình đặt ra cụ thể như sau:
Thứ nhất, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp, Vụ Công nghiệp nặng cùng các đơn vị liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp và đề xuất các chính sách tín dụng ưu đãi, thuế, phí phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, đồng thời tận dụng được tối đa các cơ hội trong quá trình hội nhập, đáp ứng mục tiêu phát triển ngành CN ô tô, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thời hạn hoàn thành vào tháng 11/201;
Thứ hai, ban hành các quy định cụ thể bảo đảm việc sản xuất, nhập khẩu động cơ, xe cơ giới và cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới có chất lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời hạn hoàn thành vào tháng 12/2014;
Thứ ba, Tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thời hạn thực hiện: từ năm 2014.
Ông Dương Đình Giám- Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương công bố chiến lược và quy hoạch.
Trước những ý kiến của đông đảo DN, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng, phát triển được ngành CN ô tô trong thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức. Tuy nhiên, hầu hết các DN đều cho rằng vẫn có thể phát triển đươc ngành CN ô tô nếu như có sự phối hợp ủng hộ của Chính phủ, Bộ ngành liên quan. Thời gian tiếp theo còn rất nhiều việc phải làm, Bộ Công Thương cũng yêu cầu, ngoài sự chung tay của các DN, nếu các DN có khó khăn hay vướng mắc trong thủ tục hành chính thì phải có sự phản hồi ngay để Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. |
Công nghiệp hỗ trợ và chính sách thuế
Liên quan đến những nội dung chủ yếu của chiến lược và quy hoạch do ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương trình bày, các DN ô tô đã trao đổi sôi nổi và đặt ra nhiều câu hỏi.
Hiệp hội Ô tô xe máy (VAMA) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng Chiến lược và Quy hoạch CN ô tô. Tuy nhiên VAMA cũng cho rằng, cần phải tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN. Đặc biệt, cần có sự bình đẳng về chính sách thuế giữa xe NK và sản xuất trong nước. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có sự tham vấn VAMA về một số chính sách, nhất là liên quan đến chính sách thuế.
Đại diện cho Công ty Honda Việt Nam đưa ra gần chục câu hỏi liên quan đến việc rà soát, tổng hợp và đề xuất các chính sách tín dụng ưu đãi , thuế, phí; đề xuất của Bộ Công Thương với Chính phủ về những giải pháp chính sách để trợ giúp cho ngành sản xuất ô tô; giải pháp nhằm giảm khoảng cách về giá giữa CKD và CBU từ năm 2018; lộ trình giảm thuế trong các FTAs nhằm giúp duy trì sản xuất trong nước...
Trả lời về các vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế cụ thể nhằm cụ thể hoá các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phát triển ngành CN ô tô Việt Nam; các cơ chế trên sẽ được tổ chức tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng ô tô để hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô (CNHT) cũng là nội dung được các DN đặc biệt quan tâm, nhất là các cơ chế chính sách đột phá để thúc đẩy CNHT - mộttrong những điểm yếu nhất trong phát triển ngành CN ô tô Việt Nam. Ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải- cũng mong muốn được biết Bộ Công Thương có tiếp tục đưa phụ tùng ô tô vào danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không; có ưu đãi gì cao hơn so với quy định của Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển CNHT...
Ông Nguyễn Mạnh Quân khẳng định: Cơ chế chính sách đối với các sản phẩm CNHT nói chung và cho sản xuất ô tô nói riêng sẽ được đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển; các cơ chế cụ thể được thể hiện tại Nghị định khuyến khích phát triển CNHT đang được Bộ Công Thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014, theo đó sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, dự kiến các cơ chế, chính sáchcụ thể, có tính khả thi và đồng bộ từ khâu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường đến tín dụng đầu tư, ưu đãi thuế, phí...; Dự thảo Nghị định cũng đề xuất cơ chế, chính sách thành lập các Cụm CNHT, Trung tâm CNHT tại một số khu kinh tế trọng điểm, Quỹ đầu tư CNHT...