Phát triển ngành công nghiệp môi trường đã có dấu ấn tốt
Tin hoạt động 15/04/2016 15:50
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (bên phải) chủ trì hội nghị |
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2010-2015, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, Triển khai Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” và đã thu được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định của Chính phủ về ngành công nghiệp môi trường; đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ môi trường để cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tổ chức triển khai Chương trình “Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường” và thu được một số kết quả bước đầu; một số kết quả đã được ứng dụng vào thực tế hoặc phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án vẫn còn những tồn tại như: Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường và Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp môi trường được xây dựng và trình Chính phủ chậm so với yêu cầu và đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt; Thị trường của ngành công nghiệp môi trường chưa phát triển; Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp chế tạo thiết bị, sản xuất sản phẩm môi trường còn hạn chế. Các công ty công nghiệp môi trường hiện chủ yếu thực hiện chức năng sản xuất, chưa tích cực đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ, phát triển và nâng cao chất lượng, độ tin cậy và độ bền của thiết bị…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao những kết quả mà ngành đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Những kết quả đó đã tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư bảo vệ môi trường nói chung và phát triển ngành công nghiệp môi trường nói riêng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại trong việc thực hiện Đề án giai đoạn vừa qua, đó là: Các kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường còn thấp. Số lượng và hàm lượng công nghệ của các sản phẩm công nghiệp trong các lĩnh vực môi trường còn hạn chế; quy mô hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp môi trường ở mức độ vừa và nhỏ…
Theo định hướng phát triển ngành công nghệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020 thì “Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng bền vững”. Để thực hiện được định hướng mục tiêu này, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý nước cấp ô nhiễm vi sinh vật, tảo, chất hữu cơ, N, P, S …, nước thải sinh hoạt; Nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phân loại rác, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, bùn thải của các trạm xử lý nước thải, chất thải nguy hại; công nghệ tái chế chất thải; các giải pháp tổng hợp xử lý rác thải nông thôn, chất thải rắn đô thị…
Để thực hiện tốt mục tiêu của Đề án giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng mong muốn, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan quản lý, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghiệp môi trường cũng như toàn xã hội.