Đẩy mạnh phát triển thương mại xuyên biên giới |
Đánh giá của Cục TMĐT&CNTT cho thấy, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Với mô hình này, nhà sản xuất có thể phân phối hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng, không phải qua bất cứ khâu trung gian nào. Thực tế, so với mô hình giao thương quốc tế truyền thống, tham gia TMĐT xuyên biên giới, DN giảm được rất nhiều khâu, từ đó giảm chi phí giao dịch, người mua, người bán dễ dàng đạt được giá tốt hơn. Với ưu điểm tiết kiệm chi phí, giúp phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng đầu cuối, TMĐT xuyên biên giới rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ.
Chia sẻ tại Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 mới đây, ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT (Cục TMĐT&CNTT) - cho biết, với nền tảng công nghệ Internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, TMĐT xuyên biên giới ngày càng sôi động. Tuy nhiên tại Việt Nam, DN mới chỉ tận dụng tương đối hiệu quả mô hình B2B (DN-DN), còn tỷ lệ DN Việt Nam tham gia mô hình B2C (DN - người tiêu dùng) rất thấp.
Đưa ra những hạn chế của các DN Việt Nam khi tham gia hình thức bán hàng xuyên biên giới, ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, hiện DN Việt Nam chưa tự tin tham gia các sàn giao dịch thương mại quốc tế là do thiếu kỹ năng bán hàng và xuất khẩu hàng hóa. Một hạn chế nữa là DN Việt Nam chưa tiếp cận được các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng.
Báo cáo của Cục TMĐT&CNTT cho thấy, lượng người dùng internet tại Việt Nam ở mức khá cao, chiếm hơn 50% (tương ứng 49 triệu dân). Đồng thời, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng, với giá trị năm 2016 đạt khoảng 5,01 tỷ USD, giá trị mua sắm trung bình 1 người đạt mức 170 USD/năm. Đây cũng là cơ hội lớn cho phát triển TMĐT xuyên biên giới.
Đề cập đến những cơ hội, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, TMĐT xuyên biên giới là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu. Việt Nam với tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu gần 200 tỷ USD, các DN Việt Nam nếu biết nắm lấy cơ hội này sẽ mang lại hiệu quả cao.
Riêng đối với DN bán lẻ, ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn phòng Hiệp hội TMĐT - cho rằng, các DN có thể sử dụng phương pháp bán hàng xuyên biên giới thông qua các sàn giao dịch điện tử lớn như Amazon, Alibaba.com… bởi đây là kênh uy tín và có lượng người tham gia mua bán lớn. Mục tiêu dài hạn là thông qua TMĐT, các DN xuất khẩu sẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Song song với cơ hội, các DN TMĐT cần đầu tư nền tảng hạ tầng tốt, cụ thể là đầu tư bài bản về trực tuyến, đào tạo phổ cập và hỗ trợ phần mềm kinh doanh TMĐT. Tập trung xây dựng các trang web quảng bá sản phẩm Việt xứng tầm quốc gia. Quan trọng là TMĐT cần phổ cập vào tất cả các hoạt động của ban, ngành với định hướng rõ rệt, có như vậy mới tạo "đòn bẩy" phát triển TMĐT xuyên biên giới.
Theo Cục TMĐT&CNTT, TMĐT xuyên biên giới là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. |