Cân bằng trong thế tiến
Thương mại Việt Nam - Nhật Bản mấy năm qua phát triển đều cả hai chiều. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 - 2017 và 9 tháng năm 2018 tăng nhịp nhàng so với cùng kỳ năm trước với các cặp số tương ứng sau: 29,7 tỷ USD, tăng 4,3% - 33,2 tỷ USD, tăng 11,9% - 27,7 tỷ USD, tăng 13,7%. Đặc biệt từ chiều Việt Nam XK sang Nhật, và ngược lại như một cặp bài trùng, dập dìu cùng tiến, với 3 khung thời thời gian 2016 - 2017 - 9 tháng năm 2018, kim ngạch lần lượt hai phía Việt Nam và Nhật Bản (tỷ USD) là: 14,7 & 15 - 16,7 & 16,5 - 13,8 & 13,9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe tại Hà Nội tháng 1/2017. Ảnh: TTXVN |
Từ hình thái đó, cán cân thương mại thăng bằng ổn định trong thế tiến. Quy mô của thương mại Việt – Nhật chưa ngang bằng với thương mại của Việt Nam với một vài đối tác khác, song vẫn mang kết quả khả quanuh .
Cơ cấu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, có 5 mặt hàng chủ lực của Việt Nam XK sang Nhật Bản đạt từ 1 tỷ USD và đều tăng so với năm 2016. Đó là: dệt may (đạt 3,1 tỷ USD); máy móc, dụng cụ, thiết bị, phụ tùng (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 9,9%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13,9%); thủy sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 18,6%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1 tỷ USD, tăng 4,4%). 4 tháng đầu năm 2018, hàng dệt may đã XK được 1,1 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2017, không chỉ là mức tăng cao hơn mức tăng XK của cả nước mà còn tăng cao hơn mức tăng của ngành dệt may (4,5%). Các mặt hàng năm 2017 đạt 1 tỷ USD trở lên 4 tháng qua cũng đã và đang tiếp cận mốc son nói trên. Trên các quầy hàng tại siêu thị Nhật mở tại Việt Nam, hàng Việt chiếm thị phần nhất định.
Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu (NK) từ Nhật Bản phù hợp với định hướng NK của nước ta, trọng tâm phục vụ sản xuất, sản xuất hàng XK. Năm 2017, có 3 mặt hàng Việt Nam NK từ Nhật Bản có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (đạt 4,3 tỷ USD, tăng 2,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13,4%); sắt thép các loại (đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,2%). 4 tháng đầu năm 2018, đã có 2 mặt hàng NK đạt 1 tỷ USD trở lên là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Cơ cấu nói trên phản ảnh hàng hóa hai nước không cạnh tranh mà bổ sung, mở ra cơ hội cho nhau. Nhật Bản là thị trường NK lớn thủy sản, hàng công nghiệp tiêu dùng (dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến) mà Việt Nam có thế mạnh. Ngược lại, máy móc, thiết bị, phụ tùng nhãn hiệu Nhật từ lâu đã có uy tín tại Việt Nam. Ẩm thực Nhật Bản cùng cung cách phục vụ trong các nhà hàng Nhật tại Việt Nam càng làm cho hai cộng đồng dân chúng gần gũi. Các loại hàng hóa của Nhật không tràn ngập như hàng của một số hàng nước lân cận, trừ lác đác điểm bán hàng “nội địa Nhật”.
Tác động đa chiều
Tạo ra sự tăng trưởng thương mại hai bên, nhất là XK của Việt Nam, đã có những điểm nhấn:
Hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) với Bộ Kinh tế Thương mại Nhật Bản (METI), sôi động nhất là giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), với Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC). Hợp tác đa lĩnh vực, trọng tâm vào lĩnh vực có tiềm năng, nhạy cảm; phạm vi rộng, hiệu ứng sớm, rõ nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm. Đó là Chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp của 4 nước này đẩy mạnh XK hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao. Qua đó, chuyên gia Nhật chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp Việt Nam về thiết kế mẫu hàng, cách tiếp thị, quản trị kinh doanh…
Bạn giúp ta phát triển công nghiệp hỗ trợ mà một trong các hoạt động nổi bật, thường xuyên là Tổ chức triển lãm “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản”, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước cũng như nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Triển lãm này được tổ chức luân phiên hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh vào các năm chẵn, mở đầu vào năm 2004 và tại Hà Nội vào các năm lẻ, mở đầu vào năm 2005.
Thời gian gần đây, bạn tạo điều kiện cho ta XK vào Nhật thêm một số mặt hàng như: thanh long ruột đỏ dạng quả tươi, xoài, thịt gà qua chế biến, sữa. Riêng cá ngừ, hai bên hợp tác từ khâu câu đánh bắt đến XK sang Nhật, tới thẳng chợ cá Tsukiji -Tokyo tham gia đấu giá.
Cơ may mới
Động lực cho sự tăng trưởng thương mại Việt Nam – Nhật Bản được mở ra từ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) ký năm 2008 – hiệp định đầu tiên của Việt Nam và mới đây là cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tháng 5/2018, đưa thương mại song phương tăng gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2014.
Với việc tạo điều kiện của hai nhà nước, cộng hưởng với sự năng động và hợp tác chân tình giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thương mại Việt - Nhật còn nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, Nhật vốn là thì trường kỹ tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa không phải chỉ riêng với hàng Việt Nam mà với mọi xuất xứ hàng hóa. Từ ngày 1/4/2017, Nhật Bản áp dụng sửa đổi Quy định ghi nhãn mác đối với sản phẩm dệt may. Thủy sản vào Nhật Bản vẫn đối mặt với quy định nghiêm ngặt kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh mà điều này chỉ riêng với con tôm khắc phục đã chật vật.
Vì thế, lựa chọn duy nhất của phía ta là làm ra nhiều hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhà NK Nhật, đồng thời chuyển hóa có hiệu quả các chương trình hợp tác - hỗ trợ của Nhật Bản vào cơ thể kinh tế - thương mại nước ta.