Giảm dần lợi thế cạnh tranh
Vùng KTTĐ phía Nam bao gồm TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước; Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang). Đến nay, Vùng KTTĐ phía Nam là trung tâm thu hút FDI lớn nhất cả nước với hơn 15 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động... Là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới.
Rà soát quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, logistics... |
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Vùng KTTĐ phía Nam đang có xu hướng chậm lại, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước. Những lợi thế của vùng chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, kết cấu hạ tầng không tương xứng, kết nối chưa đồng bộ.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đánh giá, chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, thiếu đột phá, cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn mang tính tự phát. Bên cạnh đó, chất lượng phát triển đô thị còn thấp, nhiều khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa bảo đảm nhu cầu an sinh xã hội; phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu DN, tình trạng thiếu lao động, mất cân đối cung - cầu trong phân bổ nguồn lao động.
Cần đột phá về tư duy
Chia sẻ về những chính sách then chốt để thúc đẩy phát triển vùng, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên trường Đại học Fulbright - cho rằng, cần thực hiện quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ chế đấu thầu và giải bài toán ngân sách cho vùng bằng cách thúc đẩy vai trò đầu tư tư nhân, thu hút FDI có chọn lọc; tận dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA) hiệu quả cho đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khuôn khổ cho mô hình đối tác công tư PPP…
Theo ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chính phủ và các bộ, ngành cần ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong vùng, kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng.
Khẳng định vai trò quan trọng của logistics trong phát triển kinh tế vùng và để nâng cao hơn năng lực logistics, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Logistics - cho rằng, cần quy hoạch vùng rõ ràng và có cơ chế liên kết vùng. Điều này sẽ góp phần làm giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và dịch vụ của DN.Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - đánh giá, để gỡ những nút thắt trong phát triển, cần rà soát quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, logistics... Bên cạnh đó, ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng nhằm khơi thông luồng vận tải hàng hóa, phát triển kinh tế; tạo điều kiện, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn; tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm cho môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay vì “kinh tế tỉnh”. Khi lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, cần lồng ghép chính sách phát triển vùng trong nội dung thực hiện. |