Lãnh đạo tổng công ty cùng đối tác đi kiểm tra vùng nguyên liệu tại Gia Lai |
Đổi đời
Tháng 3, xã Iapa, huyện Ayun Pa (Gia Lai) đang trong cao điểm mùa khô, thế nhưng hàng trăm ha cây thuốc lá nơi đây vẫn ngút ngàn một màu xanh. Đến Ayupa thời điểm này, nhà nhà, người người đang bận rộn thu hoạch, sấy, phân loại thuốc lá nguyên liệu để cung ứng cho các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cho các hộ dân.
Gắn bó với cây thuốc lá 11 năm nay, ông Nông Văn Cầm ở thôn Cơ Nia (xã Ia Trôk, huyện Ayun Pa) hiện là chủ gần 3 ha cây thuốc lá, cho hay, năm nay, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn thuê thêm hơn 1ha đất để trồng cây thuốc lá. Trung bình mỗi vụ trừ chi phí, gia đình ông thu về 40-50 triệu đồng/ha. Có năm giá nguyên liệu thuốc lá tăng cao, doanh thu tới 70-80 triệu đồng/ha. Đầu ra cho cây nguyên liệu ổn định, thu nhập cao nên gia đình ông không những thoát nghèo mà còn có của ăn, của để.
“Năm 2014, sau 3 vụ dành dụm, gia đình tôi cũng đã sắm thêm được một chiếc máy gặt liên hợp trị giá hơn 580 triệu đồng để hỗ trợ bà con trong thôn, bản…”, ông Cầm hào hứng cho biết.
Chung niềm vui như ông Cầm, anh Đặng Đức Hoàng, xã Ia Trork, huyện Iapa, cho biết: Với đặc điểm là cây ngắn ngày, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 3 - 4 tháng, được trồng luân canh nên cây thuốc lá không ảnh hưởng đến cây trồng khác.Vì vậy, hầu hết các hộ gia đình trồng cây thuốc lá trong vùng đều có đời sống kinh tế khá giả.
Sở dĩ người nông dân thu nhập cao từ trồng cây thuốc lá bởi 90% diện tích thuốc lá ở Gia Lai là do các doanh nghiệp đầu tư cho người nông dân theo mô hình “bốn nhà”: doanh nghiệp- nhà nông- nhà nước- nhà khoa học.
Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinataba - cho biết, liên doanh BAT-Vinataba, Công ty Hòa Việt, Công ty Thuốc lá Bến Tre thông qua các đối tác đã đầu tư cho bà con cây giống, phân bón… và hướng dẫn quy trình chăm sóc cây thuốc lá, đặc biệt là các kỹ thuật thân thiện với môi trường. Tới vụ mùa thì bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá đã ký kết, bảo đảm nông dân có lãi 30% (nếu giá xuống thấp), tuy nhiên nếu giá lên cao thì doanh nghiệp phải thu mua theo giá thị trường. Bên cạnh đó, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng thuốc lá, dẫn tới năng suất thuốc lá năm sau luôn cao hơn năm trước.
“Vụ đông xuân vừa qua, các doanh nghiệp thuộc tổng công ty không chỉ hỗ trợ bà con cây giống, vật tư, khoa học kỹ thuật mà còn ứng cho mỗi hộ 18 triệu đồng/ha để chi phí vật tư”, ông Cường cho biết thêm.
Không chỉ hỗ trợ bà con trong giai đoạn gieo trồng, thu hoạch, các doanh nghiệp đã trồng khảo nghiệm thành công các loại giống thuốc lá lai, với năng suất và chất luợng cao hơn các giống cũ nhằm dự phòng và vào thời điểm phù hợp sẽ chuyển giao cho nông dân trồng đại trà. Bên cạnh đó, giúp bà con chuyển đổi thành công hàng trăm lò sấy sử dụng củi sang sử dụng vỏ trấu giảm thiệt hại môi trường.
Ông Nông Văn Cầm làm giàu từ cây thuốc lá |
Tiếp tục đầu tư vùng trồng bền vững
Theo ông Vũ Văn Cường, mỗi ha thuốc lá có thể giải quyết việc làm cho 5 công lao động trong một vụ với thu nhập bình quân 60- 70 triệu/ha. Sản phẩm được tổng công ty bao tiêu, thu mua tại chỗ. Chính vì vậy, đối với những vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, đất đai cằn cỗi, giao thông đi lại khó khăn như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Ninh Thuận…, cây thuốc lá được đánh giá là cây xóa đói giảm nghèo đối với những hộ nghèo và là cây để làm giàu đối với những hộ nông dân tại các vùng chuyên canh thuốc lá.
Thông qua mô hình đầu tư gắn kết với trách nhiệm xã hội, phương thức đầu tư nguyên liệu của tổng công ty đã góp phần xây dựng và phát triển vùng trồng nguyên liệu trong nước theo hướng tập trung, chuyên canh, đưa cây thuốc lá trở thành cây đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, trở thành cây xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng.
Hiện tổng công ty có 5 đơn vị tham gia vào công tác đầu tư trồng cây thuốc lá. Trong đó, tại khu vực phía Bắc có 2 đơn vị là Công ty CP Ngân Sơn và Viện Kinh tế Kỹ thuật thuốc lá trực tiếp đầu tư tại các vùng: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên. Tại khu vực phía Nam có 3 đơn vị (Liên doanh BAT- Vinatba; Công ty Hòa Việt và Công ty Thuốc lá Bến Tre) trực tiếp đầu tư tại các vùng: Tây Ninh, Long An, An Giang, Gia Lai, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu.
Với diện tích trồng thuốc lá từ 15.000 đến 30.000 ha/năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 200.000 lao động nông nghiệp. Ngoài ra còn tạo việc làm cho các công việc phụ trợ, dịch vụ kèm theo trong các khâu như thu mua, sơ chế và vận chuyển. |
Hàng năm, diện tích đầu tư trồng thuốc lá của tổng công ty xấp xỉ 15.000 ha với sản lượng thu hoạch hơn 30.000 tấn, chiếm trên 70% diện tích, sản lượng nguyên liệu thuốc lá hàng năm của cả nước. Năm 2014, toàn tổng công ty đầu tư gieo trồng được 13.123 ha và thu mua trong đầu tư của các đơn vị nguyên liệu đạt 26.282 tấn. Dự kiến, đến năm 2015, tổng công ty sẽ đạt chỉ tiêu năng suất 1,8 tấn/ha theo kế hoạch, riêng chỉ tiêu diện tích đầu tư gieo trồng thuốc lá sẽ đạt khoảng 11 nghìn ha theo tình hình thực tế.
Ông Cường nhấn mạnh, việc phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá trong nước ổn định, có năng suất cao, chất lượng tốt đã dần thay thế được nguyên liệu nhập khẩu. Từ chỗ nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được cho sản xuất sản phẩm thuốc lá cấp thấp nay đã đáp ứng được một phần cho sản xuất các mác thuốc lá tầm trung, cao cấp. Nguyên liệu thuốc lá trồng trong nước đã được các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu đưa vào sử dụng với tỷ lệ lên đến 70%. Đồng thời, mỗi năm tổng công ty đã xuất khẩu được hơn 10.000 tấn nguyên liệu các loại.
Để phát triển bền vững các vùng nguyên liệu thuốc lá, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, áp dụng những giống thuốc lá có năng suất, chất lượng ngày càng cao. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho người dân tại các vùng nguyên liệu thuốc lá.