Chiều 26/3/2024, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, theo báo cáo của Cơ quan quản lý xuất khẩu nông sản - Bộ Nông nghiệp Mỹ (US Department of Agriculture’s Foreign Argiculture Service), lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm 2024 sẽ ở mức 4 triệu tấn, thay vì mức dự báo 4,1 triệu tấn như trước đây.
USDA hạ dự báo sản lượng gạo nhập khẩu của Philippines do sản xuất lúa trong nước của Philippines hy vọng sẽ đáp ứng được mức tăng nhẹ của nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm 2024 sẽ ở mức 4 triệu tấn, thay vì mức dự báo 4,1 triệu tấn như trước đây. Ảnh minh họa |
Theo quy định tại Lệnh số 50 do Tổng thống Ferdinard R. Marcos Jr. ký, gạo từ các nước nhập khẩu vào Philippines hiện nay đều phải chịu mức thuế nhập khẩu 35% và mức này sẽ áp dụng cho đến cuối năm 2024 (sẽ xem xét lại vào tháng 12/2024).
Số liệu từ Cục Thực vật - Bộ Nông nghiệp Philippines cũng cho biết, tính đến ngày 7/3/2024, Philippines nhập khẩu tổng cộng 793.753,49 tấn gạo. Vẫn như mọi năm, gạo Việt Nam chiếm phần lớn, với khối lượng 431.846,72 tấn, chiếm 54,41%; tiếp theo là Thái Lan với 210.127,38 tấn, chiếm 26,47%. Như vậy, trong Quý I/2024 đã chứng kiến lượng gạo Thái Lan nhập khẩu vào thị trường Philippines tăng cao so với trước đây.
"Đây là tín hiệu những cũng là sự cảnh báo đối với gạo Việt Nam tại thị trường này khi gạo Thái Lan bắt đầu gia tăng thị phần" - Thương vụ lưu ý.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán sản xuất gạo của Philippines sẽ đạt 12,125 triệu tấn do dự đoán rằng El Niño sẽ giảm vào tháng 4 và tháng 5/2024, cũng như Chương trình của Chính phủ hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo trong việc tăng cường sử dụng phân bón và giống tốt.
Chính phủ Philippines, thông qua Bộ Nông nghiệp đã hỗ trợ 30,8 tỷ pesos cho người trồng lúa trên cả nước, số tiền này cao hơn rất nhiều so với mức 15,8 tỷ pesos mà Bộ Nông nghiệp đã nhận được và triển khai hỗ trợ người trồng lúa trong năm 2022.
Cùng với sự gia tăng hỗ trợ từ Chính phủ, năng xuất và sản lượng lúa gạo của Philippines cũng sẽ tăng lên. Năm 2023, sản xuất lúa của Philippines lần đầu cán mốc 20 triệu tấn (cụ thể 20,06 triệu tấn), tăng 1,5% so với năm 2022 và vượt qua mức đỉnh đạt được năm 2021 là 19,96 triệu tấn.
Để đảm bảo nhu cầu gạo nhập khẩu, từ đầu năm 2024 chính quyền Philippines đã cấp 1.009 giấy phép cho các nhà nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, cuối năm ngoái Chính phủ nước này cũng đã ký thỏa thuận với Việt Nam. Thỏa thuận có thời hạn 5 năm và mỗi năm Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo từ 1,5 - 2 triệu tấn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng cam kết sẽ bổ sung nguồn cung gạo cho Philippines bất chấp lệnh cấm nhập khẩu gạo non-basmati.
Với vị trí là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ngành gạo Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tất cả các diễn biến trên thị trường thương mại toàn cầu, từ thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu, khuynh hướng giá cả tới biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu...
Để chuẩn bị cho những biến động của thị trường năm 2024, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu... đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn cho rằng, năm 2024 cơ hội xuất khẩu cho ngành gạo là rất lớn, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong bối cảnh thị trường thương mại gạo toàn cầu 2024 vẫn nóng và có nhiều biến động, doanh nghiệp gạo phải bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững.
"Việc nắm bắt nhanh thông tin thị trường sẽ giúp đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024" - Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn khuyến nghị và nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng.