Khát vọng Thăng Long là phim còn khá non về kỹ xảo điện ảnh
CôngThương - Trước đó theo NSƯT Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, ngay từ khi có danh sách ba phim ứng cử, các thành viên Hội đồng xét duyệt đã có phần nghiêng về bỏ phiếu cho phim Khát vọng Thăng Long (Cánh diều bạc Hội Điện ảnh, 2010).
Đạo diễn của Khát vọng Thăng Long, Lưu Trọng Ninh từng nói sở dĩ phim thuyết phục được người xem là bởi: "Trước hết, Việt Nam - Trung Quốc thổ nhưỡng khác nhau nên màu sắc sử dụng sẽ khác. Thời đó, phục trang dệt thô và nhuộm màu bằng cây cỏ. Trong tác phẩm của tôi, chỉ Hoàng hậu lượt là một chút vì đó là oai phong, nghi lễ. Phong kiến Trung Quốc lấy màu vàng của Hoàng Hà làm chủ đạo nên áo vua gọi là hoàng bào, còn chúng ta dùng màu đỏ chìm của sông Hồng. Thứ hai thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm, không lạnh như phương Bắc nên quần áo dân chúng mỏng hơn, trang phục vua chúa ít tầng lớp hơn".
Hơn nữa, khác với những bộ phim lịch sử thực hiện cùng thời điểm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Khát vọng Thăng Long hoàn toàn không có một cảnh quay nào thực hiện ở Trung Quốc. Cảnh những đứa trẻ đua trâu dưới con đường đất mát rượi bóng tre, cảnh dệt vải vấn tóc, cảnh giặt giũ trên sông, cảnh chợ trên bến dưới thuyền, cảnh đấu vật hay câu hát “Gái Đại La trồng dâu nuôi tằm” là những cảnh mang đủ cả chất nông thôn, thị thành Việt cổ. Đắt giá nhất là chi tiết về cô gái chửa hoang bị gọt đầu bôi vôi, thả trôi sông, tái hiện một hủ tục xưa; hay cảnh lễ hội tịch điền, vua cử hoàng tử đi cày...
Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, ưu điểm của Khát vọng Thăng Long là tính dân tộc và tính nhân văn đậm nét |
Nhận định của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng trùng với ý kiến của Hội đồng xét duyệt phim Việt dự tranh giải Oscar 2011. Trao đổi với VTC News, NSƯT Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, thành viên hội đồng duyệt cho biết: “Ưu điểm phim là tính dân tộc và tính nhân văn đậm nét, các tuyến nhân vật khác mạch lạc, với hai nhân vật Lê Long Đĩnh và Lý Công Uẩn. Dàn dựng, bối cảnh, phục trang mang tính dân tộc".
Nhiều nỗi lo khi Khát vọng Thăng Long đi Oscar
Việc Khát vọng Thăng Long được chọn lựa dự giải gây ra những ý kiến trái chiều trong giới điện ảnh. Nhiều người đã tỏ ra tiếc cho phim Bi, đừng sợ không được đề cử đi tranh giải, và đến nay, bộ phim duy nhất trong ba ứng cử viên có tính đương đại hơn cả và cũng được nhiều người trong giới hi vọng sẽ tới Oscar, Cánh đồng bất tận, cũng bị loại. Hơn nữa cử một tác phẩm không phản ánh cuộc sống Việt Nam đương đại sẽ là khó để lọt vào "mắt xanh" của ban giám khảo Oscar.
Không những thế, Khát vọng Thăng Long là phim còn khá non về kỹ xảo điện ảnh. Đến Oscar, nơi tập trung những kỹ xảo hàng đầu về phim ảnh, sẽ có rất nhiều bất lợi cho những phần kỹ xảo không khác gì phim hoạt hình ở đoạn kết của phim này.
Việt Nam nhận được thư mời tham dự giải Phim nước ngoài xuất sắc từ mùa Oscar 2006, khi đó chúng ta chọn mang đi Mùa len trâu. Sau đó các phim Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông và Đừng đốt là ba đại diện tiếp theo từng được gửi sang tham dự Oscar vào các năm 2007, 2008 và 2010 nhưng đều không vào được vòng 5 đề cử.
Có hai năm, điện ảnh VN không có tác phẩm nào dự Oscar bởi không tìm được tác phẩm nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Hội đồng tuyển phim. Năm nay việc tuyển lựa phim dự Oscar 2012 một cách nhanh chóng sau khi có giấy mời từ phía ban tổ chức cho thấy Cục Điện ảnh cũng như Hội đồng xét duyệt phim Việt dự tranh giải Oscar đã chủ động hơn và cũng tạo cho đơn vị có phim đề cử hoàn thiện mọi thủ tục liên quan, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như nhiều năm trước.
Đêm trao giải Oscar 2012 sẽ diễn ra vào ngày 26/2 tại nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ. Danh sách đề cử các giải cũng như kết quả Khát vọng Thăng Long có lọt vào danh sách đề cử chính thức của Oscar hay không sẽ được công bố vào tháng 1/2012.