Phòng cháy chữa cháy: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng không hạ thấp quy định về an toàn
An toàn trong phòng cháy chữa cháy phải đặt lên hàng đầu
Ngày 15/8/2023 tại Hà Nội, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) phối hợp với Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (IBST) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cho biết, ngày 05/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Theo đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng trên cơ sở cầu thị, lắng nghe ý kiến của bộ ngành, doanh nghiệp, cá nhân để ghi nhận, tổng hợp vướng mắc, chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ Xây dựng tiến hành rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD.
Ban soạn thảo kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an cho biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn 06, biên soạn mới hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn vệ tinh; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp |
Ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng IBST – đơn vị được giao trực tiếp lập dự thảo sửa đổi Quy chuẩn 06 cho biết, một số nội dung cần điều chỉnh theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng cũng như đòi hỏi thực tế. Mục đích là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và áp dụng cho các đối tượng phù hợp hơn, sát thực tiễn hơn. IBST đã tổ chức nhiều hội thảo, báo cáo quá trình triển khai, đề ra giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng không hạ thấp quy định về an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Quy chuẩn Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) mới có hiệu lực từ 16/1/2023 nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng quy chuẩn này đang tồn tại một số vướng mắc, gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng. Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia bày tỏ quan điểm việc điều chỉnh, sửa đổi Quy chuẩn 06 là cần thiết nhưng không vì tập trung tháo gỡ vướng mắc mà xem nhẹ yếu tố an toàn trong phòng cháy.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) chỉ ra, khi so sánh giữa yếu tố kinh tế và kỹ thuật cần cân nhắc kỹ. Quy chuẩn không được hạ tiêu chuẩn kỹ thuật xuống bởi trong lúc đầu tư thi công xây dựng có thể bỏ kinh phí cao hơn một chút nhưng lại đảm bảo an toàn, còn hơn khi xảy ra sự cố thì hậu quả có thể thiệt hại lớn hơn nhiều; thậm chí, mất sạch tài sản và nặng nề hơn nữa là liên quan đến an toàn tính mạng của con người.
Ông Trần Tuấn Anh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC) cho rằng, trong phòng cháy chữa cháy thì “phòng” sẽ tốt hơn “chữa cháy” và Quy chuẩn 06 nên chú trọng nội dung này. Ở nước ngoài rất chú trọng yếu tố phòng cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại về tài sản và con người luôn được khống chế ở mức thấp nhất. Nếu phòng chống tốt thì sẽ đảm bảo được an toàn sinh mạng con người tại các công trình. Theo đó, phòng chống cháy cần là tiêu điểm đặt lên hàng đầu ở quy chuẩn sửa đổi.
Theo chuyên gia này, khi đi làm với 1 số đơn vị tư vấn nước ngoài, họ đều nhận xét quy chuẩn liên quan đến vật liệu của Việt Nam cao quá, ví dụ như sơn chống cháy, khiến bài toán kinh tế và chi phí công trình bị đội lên nhiều. Hay như kính dùng cho công trình nhà ở xã hội cũng vậy, chủng loại kính chịu nhiệt nhưng gioăng và phụ kiện lại không đáp ứng được...
Bởi vậy, để đáp ứng đc tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy thì chi phí xây dựng, hoàn thiện công trình “đội” lên cao quá khiến chủ đầu tư gặp khó. Do đó, theo ông Tuấn Anh, cần tăng cường yếu tố phòng chống cháy hơn là quy định phải đáp ứng các yếu tố về chữa cháy như hiện nay.
Kiến nghị sửa đổi một số tiêu chuẩn quá cũ cho phù hợp
Đại diện Ban soạn thảo sửa đổi Quy chuẩn 06, TS. Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng IBST cũng nêu một số khó khăn, bất cập khi hầu hết các ý kiến đóng góp sửa đổi Quy chuẩn 06 đều xuất phát từ góc độ kinh tế chứ chưa thiên về an toàn cho con người trong phòng cháy.
Cùng đó, việc thực thi quy chuẩn cũng còn những vướng mắc nhất định. Điển hình như việc quy chuẩn quy định người sử dụng có thể làm tất cả những gì quy chuẩn không cấm. Nhưng trên thực tế, khi vận dụng để thực hành, nhiều đơn vị, cơ quan quản lý, địa phương... lại “áp” thành đối tượng chỉ được làm những gì quy chuẩn cho phép. Đây là cách hiểu sai, chưa đúng - ông Khôi nhấn mạnh
Thêm một khó khăn khi sửa Quy chuẩn 06 được ông Khôi viện dẫn đó là Quy chuẩn 06 do Bộ Xây dựng ban hành nhưng lại do Bộ Công an thực thi. Trong quá trình thực hiện, khi giao thoa có những cái không đồng nhất giữa ý đồ ban hành và khâu thực thi mà trong quy chuẩn này không thể giải quyết hết được. Chưa kể, năng lực thực thi, từ khâu kiểm định, thí nghiệm... cũng có độ trễ so với yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
“Quy chuẩn 06 là quy chuẩn khó, nặng về kỹ thuật và chuyên sâu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chưa có đào tạo bài bản về an tòa háy cho nhà và công công trình cũng như yêu cầu tăng cường quản lý về PCCC. Điều này đòi hỏi tất cả các bên liên quan cần nghiên cứu kỹ, nắm bắt tốt các quy định của Quy chuẩn 06 để hiểu đúng, áp dụng đúng” - ông Khôi nhấn mạnh.
Từ thực tế đó, Ban soạn thảo cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an cho biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn 06, biên soạn mới hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn vệ tinh; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp.