Vĩnh Phúc sẽ có 4-5 phiên chợ hàng Việt từ nay đến cuối năm Ngày hội "Bonjour-Xin chào Việt Nam": Cầu nối để hàng Việt vào Pháp |
Thời gian qua, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Phú Thọ đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, từ đó kích cầu tiêu dùng đưa hàng Việt đến với người dân. Chính điều này đã tạo hiệu ứng rất tích cực cho sản xuất, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh.
Có thể nói, việc thực hiện Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu cùng với chất lượng các sản phẩm được nâng cao và các chương trình xúc tiến thương mại được triển khai hiệu quả đã tạo sức lan tỏa cho hàng Việt.
Theo đó, hạ tầng thương mại của tỉnh không ngừng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhỏ. Đáng chú ý, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị thời gian qua xuất hiện nhiều điều này đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hội chợ thương mại, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm tới người tiêu dùng; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng điểm bán hàng Việt, điểm bán hàng OCOP…
Thông qua các hội chợ thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có cơ hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh: Lệ Oanh) |
Theo Sở Công Thương Phú Thọ, năm 2023, đơn vị này đã hỗ trợ xây dựng 6 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam tại các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Thanh Thủy và thị xã Phú Thọ. Theo đó, Sở đã hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất và được tư vấn về cách sắp xếp, quản lý bán hàng khoa học theo tiêu chí điểm bán hàng Việt. Qua đó, cửa hàng được trưng bày gọn gàng, đẹp mắt, khách hàng đến mua sắm đều dễ dàng lựa chọn các sản phẩm thiết yếu, góp phần cho doanh thu của cửa hàng tăng lên.
Cùng với đó, Sở Công Thương Phú Thọ đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm. Cụ thể, năm 2023, Sở Công Thương Phú Thọ đã hỗ trợ cho 3 sản phẩm và ứng dụng tem điện tử, mã QR Code cho 11 đơn vị với số lượng 140.000 tem. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ 180.000 tem quản lý sản phẩm OCOP, 90.000 tem nhãn sản phẩm, 20.000 bộ bao bì sản phẩm, giúp nâng cấp và tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP…
Bên cạnh đó, xác định mua sắm trực tuyến được xem là giải pháp tiện lợi hiện nay, gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trở thành kênh phân phối hàng mở rộng, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số, Sở Công Thương Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là kỹ năng bán hàng như livestream bán hàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên những sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp, kế hoạch để phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử, đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực.
Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cũng cho rằng, cùng với đó là việc xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại trong hoạt động kinh doanh. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, vận tải đường thuỷ nội địa... Từng bước hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại. Cùng với đó là thực hiện đưa thương mại điện tử dần trở thành một trong những kênh phân phối quan trọng.
Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, các ngành chức năng cần tăng cường đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Bản thân mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần có sự đầu tư để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, đồng thời phải chủ động nghiên cứu thị trường để cung ứng các mặt hàng phù hợp với địa phương và tìm hiểu, học hỏi cách thức kinh doanh đạt hiệu quả để nâng cao doanh thu cho đơn vị mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để có những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, và kích cầu tiêu dùng hàng Việt của người dân.