Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận: Khát vọng đưa PVI trở thành tập đoàn đa quốc gia.
CôngThương - Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã chính thức có ý kiến đồng ý với đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) trong đề án tái cấu trúc tập đoàn là giữ lại vốn của Tập đoàn trong Công ty Cổ phần PVI. Quyết định trên được đưa ra dựa vào hoạt động hiệu quả của Công ty Cổ phần PVI thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, thậm chí phá sản. Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận đã chia sẻ kinh nghiệm cùng Báo Công Thương xung quanh nội dung trên.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong nửa đầu của năm 2012 này, PVI vẫn tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực bảo hiểm ?
Trong 6 tháng đầu năm nay, PVI tiếp tục giành ngôi vị số 1 doanh thu bảo hiểm gốc, đồng thời đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao ở mọi chỉ tiêu. Trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu kinh doanh bảo hiểm gốc của PVI đạt 2.769 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, với thị phần là 23,8%. Đặc biệt, trong quý I/2012, trong Top 5 công ty dẫn đầu thị trường, Bảo hiểm PVI là 1 trong số 2 DN có lãi về nghiệp vụ.
Không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm, PVI còn mở rộng lĩnh vực hoạt động và đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao ở nhiều chỉ tiêu tài chính khác nữa?
PVI đã thành lập Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) và Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re), và cuối năm nay sẽ thành lập Công ty quản lý Quỹ (PVI Fund).
Tuy mới hoạt động, song Công ty Tái bảo hiểm PVI đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả khả quan với lợi nhuận trước thuế hoàn thành 117% kế hoạch 6 tháng PVI giao. Hiện nay, PVI đã góp 51% vốn điều lệ cùng với Tập đoàn Tài chính bảo hiểm Sun Life Financial của Canada để cho ra đời Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life vào tháng 10.2012. Sự ra đời của PVI Sun Life sẽ là dấu mốc quan trọng, hoàn chỉnh bộ máy kinh doanh khi PVI chuyên môn hóa trong cả 3 lĩnh vực bảo hiểm: nhân thọ, phi nhân thọ và tái bảo hiểm.
PVI tiếp tục khẳng định mình bằng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 rất đáng khích lệ, đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao ở mọi chỉ tiêu. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.653 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch 6 tháng, bằng 59% kế hoạch năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài việc dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm gốc, doanh thu tái bảo hiểm đạt 451 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động đầu tư tài chính đạt 417 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch năm, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 317 tỷ đồng, hoàn thành 123% kế hoạch 6 tháng, bằng 62% kế hoạch năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Nộp ngân sách đạt 305 tỷ đồng, hoàn thành 123% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 65% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản ước đạt 10.342 tỷ đồng, tăng 38%; vốn chủ sở hữu ước đạt 5.371 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Có được kết quả này phải chăng là nhờ PVI đã mạnh dạn tiến hành tái cấu trúc và đã tái cấu trúc thành công, thưa ông ?
Với khát vọng trở thành tập đoàn đa quốc gia, chúng tôi nhận thấy, nếu không tái cấu trúc, PVI chỉ làm bảo hiểm phi nhân thọ thì sẽ không thể lớn lên được. PVI tiến hành tái cấu trúc xuất phát từ nội tại, từ yêu cầu của sự phát triển làm cho PVI mạnh lên, mở rộng lĩnh vực hoạt động.
Trong triết lý kinh doanh, không ai bỏ trứng vào cùng một giỏ. Điều đó giải thích vì sao trong khủng hoảng, các công ty đa quốc gia vẫn trụ vững. Đó là bởi họ luôn phân tán rủi ro ở nhiều thị trường khác nhau trên toàn cầu. Chính nhờ việc tái cấu trúc, mở ra những lĩnh vực mới, vươn ra thị trường thế giới không chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ, đã giúp PVI hạn chế được rủi ro của biến động thị trường trong nước
Điều khó khăn nhất khi tái cấu trúc là vấn đề vốn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Phải chăng PVI đã may mắn khi gặp được đối tác chiến lược- Tập đoàn bảo hiểm Talanx ?
Thực hiện tái cấu trúc thành công, PVI đã huy động được vốn của các tập đoàn lớn nước ngoài.
Không hề đơn giản để một nhà đầu tư tầm cỡ thế giới như tập đoàn Talanx trả giá 36.000 đồng/1 cổ phiếu của PVI trong lần ký hợp đồng đầu tiên trong khi giá giao dịch trên sàn chứng khoán vào thời điểm tháng 8/2011 chỉ khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu. Rõ ràng trong thương vụ này, quyết định của Talanx không đơn thuần là giao dịch mua bán hàng hóa, mà họ đầu tư vào nền tảng và tiềm lực của PVI để thu được lợi nhuận trong tương lai. Đây là một thương vụ đầu tư khôn ngoan của Talanx. Đó là sự toàn cầu hóa trong quá trình kinh doanh của tập đoàn này bởi bản đồ mạng lưới của Talanx trên thế giới có thêm điểm đến là Việt Nam tại Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, PVI cũng đã tiến hành tăng vốn điều lệ thành công: từ 2.129 tỷ đồng lên 2.342 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành 21,3 triệu cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu là HDI-Gerling Industrie (công ty con do Tập đoàn Talanx nắm giữ hoàn toàn).
Tái cấu trúc thành công và kinh doanh rất hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) sẽ tiếp tục giữ phần vốn của mình tại PVI?
Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã chính thức có ý kiến đồng ý với đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) trong đề án tái cấu trúc tập đoàn là giữ lại vốn của Tập đoàn trong Công ty Cổ phần PVI.
Trước đó, PetroVietnam đã đề xuất với Chính phủ được giữ lại 18% vốn trong lĩnh vực bảo hiểm tại PVI bởi Công ty Cổ phần PVI đã hoạt động được 16 năm nay với nhiệm vụ quản trị rủi ro và thu xếp chương trình bảo hiểm an toàn cho các công trình Dầu khí và cho các công trình trọng điểm quốc gia khác của PetroVietnam. Theo lộ trình, đến 2015, PetroVietnam phải thoái hết vốn trong các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. Tuy nhiên, PVI đã tái cấu trúc, chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ con và hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Hiện PVI đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ quản trị rủi ro của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong đó có các Tổng công ty lớn như Vietsovpetro, PVEP, PV Gas, DPM…, đồng thời đóng góp quan trọng vào chuỗi giá trị gia tăng của Tập đoàn.