Quảng Ninh: 1.410 tỷ đồng đưa điện về vùng biên
- Tỉnh Quảng Ninh có thế mạnh về công nghiệp khai thác than đá và phát triển du lịch biển đảo nhờ có vịnh Hạ Long, một danh thắng trải rộng trên diện tích 1.533km2 mặt biển, với 1.969 đảo đá vôi và phiến thạch hình thành từ 250 triệu năm đến 280 triệu năm trước. Trong đó, có 775 hòn đảo trong vùng trung tâm Vịnh thu hút khách tham quan từ mọi miền thế giới. Trong những năm qua, Công ty Điện lực Quảng Ninh, thành viên của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với chiến lược phát triển “Điện đi trước một bước” là động lực chính góp phần quan trọng bảo vệ an ninh biên giới, hải đảo; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai thác than tăng trưởng hàng năm hai con số; phát triển mạnh ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà máy sản xuất ximăng có công suất 1,2 triệu tấn trở lên một năm và một số ngành công nghiệp khai khác... Đặc biệt, điện năng đã được cấp đủ, an toàn liên tục cho các khách sạn, nhà hàng, danh lam, thắng cảnh, khu vui chơi giải trí và làm tăng thêm cảnh đẹp về đêm cho hai thành phố Hạ Long, Cẩm Phả... đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng trưởng cao của ngành du lịch và dịch vụ. Trải điện lưới quốc gia ra khắp tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam đưa được điện lưới của quốc gia về khắp các địa phương trong toàn tỉnh, bao gồm tất cả các xã vùng sâu, vùng biên giới xa xôi hẻo lánh, trừ huyện đảo Cô Tô xa đất liền hiện đang được triển khai đầu tư dự án vào loại lớn, đưa điện về huyện đảo; với tổng vốn đầu tư hơn 1.410 tỷ đồng. Công ty Điện lực Quảng Ninh với bộ máy tổ chức dần được đổi mới hoàn thiện, đảm bảo sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả ngày càng khả quan. Nguồn điện cung ứng của hệ thống ngày một ổn định. Công ty đã có nhiều cố gắng trong việc chống quá tải, nhất là tại các khu vực phụ tải phát triển nhanh, như nâng công suất và hoán đảo máy biến áp; phân tải đường dây hạ thế sau trạm biến áp; lắp đặt các thiết bị nâng cao độ tin cậy cung cấp điện như máy cắt, recloser, cầu dao phụ tải; thay thế dần các đường dây dẫn điện trung thế có tiết diện lớn hơn và đúng quy chuẩn kỹ thuật. Công ty Điện lực Quảng Ninh còn đầu tư mỗi năm hàng trăm tỷ đồng vào việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện và trạm biến áp; xây dựng thêm đường dây và lắp đặt thêm trạm biến áp mới. Riêng năm 2011, Công ty đã được đầu tư 15 công trình cải tạo, nâng cấp và chống quá tải lưới điện trị giá 97,27 tỷ đồng; sáu tháng đầu năm nay triển khai thực hiện 28 công trình, với tổng vốn đầu tư 90,16 tỷ đồng. Lưới điện được đầu tư cải tạo mang lại hiệu quả kinh tế rất cao trong quản lý, vận hành, kinh doanh điện. Nhờ đó, mặc dù nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, nhưng Công ty điện lực Quảng Ninh đã hạn chế được tình trạng cắt điện; lưới điện vận hành an toàn, ổn định với chất lượng cao hơn, đáp ứng tốc độ phát triển phụ tải; tỷ lệ tổn thất điện năng thường thấp hơn mức quy định hàng năm của EVN. Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong việc hoàn tất công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trước thời hạn quy định của Chính phủ, trực tiếp quản lý và tổ chức bán điện đến tận các hộ dân nông thôn, xóa bỏ hẳn tình trạng bán điện cho hộ dân qua công tơ tổng và cai thầu điện. Lưới điện hạ áp nông thôn do đầu tư xây dựng từ lâu lại không đúng kết cấu kỹ thuật; vật tư không đủ tiêu chuẩn nên cũ nát, dễ gây mất an toàn; chất lượng điện áp kém và mức tổn thất lớn. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã đầu tư hơn 64 tỷ đồng thực hiện 86 hạng mục công trình sửa chữa tối thiểu lưới điện hạ áp, thay thế công tơ mới. Từ đó, chất lượng điện áp tăng rõ rệt, lưới điện vận hành an toàn, mức tổn thất điện năng giảm xuống gần một nửa so với trước, nhân dân được mua điện theo giá của Nhà nước quy định. Giai đoạn 2011-2012, ngành điện lực và tỉnh Quảng Ninh đầu tư nâng cao năng lực cấp điện cho các xã vùng sâu, vùng xa và biên giới giai đoạn 1 có giá trị 38,2 tỷ đồng và giai đoạn 2 trên 300 tỷ đồng. Sản lượng điện năng cung ứng cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và tiêu dùng của dân trên địa bàn Quảng Ninh liên tục tăng cao. Năm 2011, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phát triển thêm 11.937 khách hàng, đưa tổng số khách hàng mua điện của Công ty tính đến đầu năm 2012 lên 323.269 hộ; trong đó có 313.608 khách hàng tư nhân. Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh, tuy sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng có sản lượng lớn tiêu thụ nhiều điện năng chưa trở lại mức sản xuất cao như hai năm trước, nhưng sản lượng điện thương phẩm năm nay của Công ty có khả năng đạt trên 1,996 tỷ kWh, tăng hơn năm ngoái 11,9% với tổng doanh thu tiền bán điện tăng trên 26%. Đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô Công ty Điện lực Quảng Ninh đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác khẩn trương triển khai thực hiện Dự án đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô và năm xã đảo thuộc huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, với tổng số vốn đầu tư hơn 773,600 tỷ đồng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và 299,195 tỷ đồng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Dự án này hoàn thành và đi vào vận hành sẽ đảm bảo cấp điện an toàn liên tục, ổn định lâu dài phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện đảo Cô Tô và năm xã đảo thuộc huyện Vân Đồn; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc. Đây là một dự án trọng điểm và có quy mô vào loại lớn nhất từ trước đến nay của Công ty Điện lực Quảng Ninh. Dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô và năm xã đảo thuộc huyện Vân Đồn gồm có bốn hạng mục công trình chính. Đó là tuyến đường dây truyền tải điện trên không hai mạch, dài 17,5km và trạm biến áp Vân Đồn I 110/35/22 (10) kV có công suất lắp đặt 40MVA. Tuyến đường dây truyền tải điện trên không hai mạch và trạm biến áp 110kV Vân Đồn I đến Đài Chuối dài 10,249km, trước mắt vận hành cấp điện áp 22kV. Tuyến đường dây truyền tải điện trên không hai mạch 110kV dài 12,426km cùng với tuyến đường dây truyền tải điện trên không một mạch 22kV và các nhánh rẽ cấp điện cho các xã Đồng Tiến, Thanh Lâm, thị trấn Cô Tô có tổng chiều dài 17,625km và phần cáp ngầm dưới đáy biển truyền tải điện 22kV có tổng chiều dài 24,863km. Tuyến đường dây điện hạ áp 0,4kV cấp điện cho các xã Đồng Tiến, Thanh Lâm và thị trấn Cô Tô có tổng chiều dài 26km, cùng với 12 trạm biến áp 22/0,4kV có tổng công suất 2.979kVA và lắp đặt 1.500 côngtơ mới cho hộ sử dụng điện.
Theo Vietnam+