Qua rồi lợi thế “nhà đông con”
Ảnh minh họa |
Chất lượng lao động có lẽ đã đến mức quan ngại nếu chiểu theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt là 4,94 và 5,59 điểm. Hơn nữa, cơ cấu nhân lực của Việt Nam cũng đang có vấn đề với tỷ lệ: 1 đại học trở lên- 0,35 cao đẳng- 0,65 trung cấp- 0,4 sơ cấp. Bởi theo quy luật, những người lao động trực tiếp trình độ trung cấp, sơ cấp phải nhiều gấp “n lần” so với lao động gián tiếp. Nói như cách ví von của tiến sỹ Vũ Xuân Hùng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề- một kiến trúc sư 1 năm thiết kế được 10 ngôi nhà. Nhưng để làm được 1 ngôi nhà, cần hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân.
Cũng theo nghiên cứu của WB, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ, tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt chưa cao. Cũng đúng thôi, hội nhập sao nổi khi cứ gặp người nước ngoài là “tắt điện” bởi khả năng giao tiếp tiếng Anh của lao động Việt Nam quá thấp. Đó là chưa kể rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Campuchia, Thái Lan, Lào…
Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới. Nhưng đó là chuyện của cơ quan quản lý ở trên cao.
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam vừa thực hiện phóng sự nhỏ về “kỳ nghỉ an dưỡng” của các sinh viên Việt Nam trong đợt thực tập cuối kỳ. Thay vì đến các doanh nghiệp thực tập, các em ở nhà ngủ nướng hoặc nằm dài xem phim... Còn nhận xét đánh giá của doanh nghiệp thì... yên tâm đã có người quen lo. Để rồi trong những cuốn báo cáo thực tập cuối kỳ kia, vẫn những dấu ấn đỏ chót, những lời khen hoàn thành tốt nhiệm vụ, các em vẫn vô tư ra trường với những tấm bằng đủ loại. Và chính các em cũng thất nghiệp một cách “hồn nhiên” khi kinh nghiệm ứng phó với thực tế kinh doanh chỉ là số không tròn trĩnh.
Chợt thấy ngoài kia, làn sóng di chuyển lao động chất lượng cao từ các nước ASEAN sắp tràn vào Việt Nam. Liệu lao động Việt Nam nước đến chân có nhảy nổi không?