Cụm công nghiệp không đầu tư hạ tầng sẽ khó thu hút doanh nghiệp vào hoạt động
Ông Nguyễn Văn Minh - phụ trách Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương- cho biết: Hải Dương hiện có 30/36 CCN đang hoạt động, nhưng chỉ có 4 CCN: Ba Hàng (TP. Hải Dương); Lương Điền; Dịch vụ thương mại và làng nghề Lương Điền (huyện Cẩm Giàng) và CCN Đồng Lạc (thị xã Chí Linh) có DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong 4 cụm này, duy nhất cụm Lương Điền đã xây dựng xong hệ thống đường giao thông, thoát nước, còn lại vẫn chưa được đầu tư .
Tình trạng ô nhiễm môi trường trong các CCN đang rất bức xúc và cũng đã đến mức báo động, như: CCN Thạch Khôi-Gia Xuyên (huyện Gia Lộc); Hương Thịnh (huyện Bình Giang); An Đồng (huyện Nam Sách) và Ngọc Sơn, Kỳ Sơn (huyện Tứ Kỳ). Đáng lưu ý, trong số 30 CCN đang hoạt động chưa cụm nào có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ quan quản lý cũng không nắm được tình hình hoạt động của các DN trong CCN. Bên cạnh đó, tình trạng sang nhượng, cho thuê lại đất đai, nhà xưởng diễn ra rất “tự nhiên”.
Theo ông Minh: Tình trạng không kiểm soát được hoạt động của các CCN, một phần xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đồng nhất, dẫn tới việc khó triển khai tại các địa phương. Đơn cử, theo quy định, với những CCN không có chủ đầu tư hạ tầng thì thành lập trung tâm phát triển CCN. Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm như thế nào lại không có hướng dẫn, trong khi kinh phí của tỉnh khó khăn, rất khó bố trí được biên chế. Tại một số cụm, UBND huyện làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa kinh doanh là không phù hợp. Văn bản hướng dẫn về hồ sơ thành lập CCN cũng không cụ thể, thiếu hẳn phần cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào cụm.
Căn cứ theo theo Quyết định số 105/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý CCN, Hải Dương chỉ có duy nhất CCN Dịch vụ và Thương mại làng nghề Lương Điền được thành lập sau quyết định này. Như vậy, tỉnh phải rà soát, xử lý và đưa các CCN được thành lập trước quy chế vào quy hoạch. Hiện, Sở Công Thương tỉnh đã hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, việc xử lý các CCN này đang bị “ách tắc” do quy hoạch phát triển CCN hiện chưa được phê duyệt.
Tại một số CCN như An Đồng, Nam Đồng…. nhu cầu mở rộng diện tích hiện cấp thiết. Riêng với CCN Nam Đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%, nhu cầu mở rộng thêm khoảng 20 ha. Tuy nhiên, để mở rộng CCN buộc phải có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, có trạm xử lý nước thải tập trung… hai yêu cầu này quá khó, không chỉ CCN Nam Đồng mà không CCN nào trên địa bàn đáp ứng được nên không thể mở rộng.
Có thể nói hiện trạng trong công tác quản lý CCN đang diễn ra ở Hải Dương đang là vấn đề chung của cả nước. Sự bất cập, không bao quát hết thực tế của các văn bản chính sách là nguyên nhân không nhỏ gây nên vấn đề này. Sửa đổi chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý CCN không chỉ là đề xuất của tỉnh mà còn là ý kiến chung của nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phụ trách Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương: Hải Dương đã hoàn thành rà soát tình hình hoạt động của các CCN, đang chờ ý kiến của Chính phủ và Bộ Công Thương để UBND tỉnh phê duyệt, ban hành. |