Cục Quản lý thị trường Hòa Bình: Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng Quản lý thị trường Hoà Bình phát huy vai trò, kiểm soát tốt thị trường |
Xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,2 tỷ đồng
Là “cửa ngõ” phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình có hệ thống giao thông đường thuỷ, giao thông đường bộ khá dày đặc, trong đó nổi bật nhất là tuyến Quốc lộ 6 nối Hà Nội, Hòa Bình với Sơn La và các tỉnh biên giới phía Bắc.
Văn phòng thường trực BCĐ389 Quốc gia làm việc với BCĐ389 tỉnh Hòa Bình |
Dù không phải là địa bàn trọng điểm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, tuy nhiên với đặc điểm trên khiến Hòa Bình cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển hàng giả nếu không được kiểm soát tốt.
Thực tế cho thấy, tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trước tình hình đó, trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã chủ động, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhờ đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không phát sinh điểm nóng; kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình cho biết, lực lượng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, xây dựng lực lượng quản lý thị trường chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phối hợp các đoàn liên ngành của các sở, ngành, huyện, thị, thành phố kiểm tra về an toàn thực phẩm và các mặt hàng khác nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi gian lận trong đo lường chất lượng, đóng gói, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và Lãnh đạo Sở Công Thương nắm bắt tình nguồn cung hàng thực phẩm |
Kết quả, trong 8 tháng đầu năm, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục đã triển khai công tác, kiểm tra tổng cộng 805 vụ việc, xác định 219 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng hơn 1.245.675.000 đồng, đạt trên 62,28% so với kế hoạch định hướng năm 2024. Trị giá hàng hoá tịch thu trên 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong vai trò là cơ quan thường trực giúp việc của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn; góp phần tích cực bảo đảm cung ứng đầy đủ các nguồn hàng lưu thông đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân.
Bên cạnh công tác kiểm tra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh và ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất chân chính trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình đã ký kết chương trình phối hợp công tác. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên địa bàn toàn tỉnh tích cực phối hợp với Hội và tham gia vào Ban chấp hành Hội với vai trò là Chi Hội trưởng tại các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng cao, vùng xa về Quyền của người tiêu dùng đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về phương pháp nhận biết, lựa chọn, mua sắm hàng hóa và các dịch vụ; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luật về quyền của người tiêu dùng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Hằng năm, các đơn vị thuộc Cục đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các Phòng Kinh tế và Phòng kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu hướng dẫn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các chợ truyền thống, nhằm tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cho người tiêu dùng trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Cùng với sự phát triển của công nghệ, kinh doanh và mua sắm trên môi trường trực tuyến đang trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội tại Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, xu hướng kinh doanh qua các trang mạng xã hội, qua ứng dụng di động, các mô hình bán lẻ đa kênh đang dần chiếm ưu thế trong thương mại điện tử và có lợi thế hơn so với thương mại truyền thống. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra sự thay đổi sâu sắc về mặt tổ chức của các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn đến những phương thức tổ chức và hoạt động mới của nền kinh tế mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “kinh tế số”.
Xác định từ nay đến cuối năm và thời điểm Tết Nguyên Đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự kiến sẽ là khoảng thời gian tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi. Vì mục tiêu lợi nhuận mà các tổ chức, cá nhân bằng mọi thủ đoạn nhằm “qua mắt” kiểm soát của lực lượng chức năng nói chung, lực lượng Quản lý thị trường nói riêng để trục lợi đưa hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như các hành vi gian lận thương mại khác vào sâu thị trường nội địa để tiêu thụ. Cùng đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng vì lợi nhuận mà có thể bất chấp mọi thủ đoạn để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.
Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường trong thời kỳ mới, xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong thời gian tới Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trong toàn tỉnh chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, bảo đảm hoạt động thương mại điện tử hoạt động song hành cùng phương thức kinh doanh truyền thống được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.