Quảng Bình: Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Quảng Bình: Đề nghị công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế |
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, trong Quý I năm 2023, tình hình vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm trong lĩnh vực giá… vẫn còn xảy ra. Hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thời trang (áo quần, giày dép, kính mắt, túi xách…), thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng điện tử, đồ chơi trẻ em…
Trên thị trường nội địa, các cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như cất giấu hàng hóa vi phạm tại nơi ở; để lẫn lộn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với hàng thật… Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng tăng cao; do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu, giao dịch mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Tuy nhiên, các hoạt động này đa phần có quy mô nhỏ lẻ, không công khai địa điểm kinh doanh, nơi cất giấu hàng hóa, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Trên thị trường, không phát hiện dấu hiệu đầu cơ, găm hàng tạo khan hiếm hàng hóa nhằm tăng giá bán để thu lợi bất hợp pháp.
Trên tuyến giao thông đường bộ, các đối tượng vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian vận chuyển; gia cố thêm khoang chứa hàng... để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023; Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; trong đó chú trọng các nhóm mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hàng may mặc, đồ điện tử, mỹ phẩm...; đặc biệt, tăng cường nắm bắt và theo dõi thông tin các đối tượng kinh doanh có sử dụng các website, các ứng dụng trên nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội để bán hàng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình kiểm tra hàng hoá tại một cơ sở |
Theo báo cáo, trong quý I/2023 lực lượng QLTT đã kiểm tra: 82 vụ, phát hiện: 57 vụ vi phạm. Số vụ đã xử lý: 71 vụ với 81 hành vi vi phạm, trong đó xử lý 14 vụ (18 hành vi) và 02 hành vi từ kỳ trước chuyển sang. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, giá trị tang vật tịch thu chưa bán, giá trị tang vật tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy là 3.816.581.000 đồng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình ông Vũ Quang Thắng cho hay, thời gian qua đơn vị đã tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng như: lương thực, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm công nghệ, mỹ phẩm, động vật và sản phẩm động vật…; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên khâu lưu thông và trên thị trường nội địa.
Được biết, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã tăng cường hoạt động kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá hàng hóa của các cơ sở kinh doanh; tăng cường công tác quản lý địa bàn không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính; chủ động nắm thông tin, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra.