Ảnh minh họa: Nguồn Internet |
Thực tế cho thấy, hiện nay số điểm bán thuốc lá lẻ đã vượt gấp đôi, thậm chí gấp 3 quy hoạch. Theo thống kê đến tháng 5/2015, cả nước có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.581 phường, 590 thị trấn và 9.043 xã. Giả sử bình quân mỗi phường/thị trấn có 200 điểm bán lẻ thuốc lá và mỗi xã có 30 điểm bán thuốc lá (bao gồm cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, quán nước chè....) thì cả nước đã có trên 700.000 điểm bán thuốc lá lẻ.
Bán lẻ thuốc lá là loại hình kinh doanh có điều kiện cần giấy phép (Khoản 1 Điều 19 Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Nghĩa là một gia đình mở đại lý/cửa hành tạp hóa kinh doanh nhiều mặt hàng trong đó có thuốc lá thì ngoài đăng ký kinh doanh cần một giấy phép riêng cho thuốc lá được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Theo quy định về thủ tục hành chính, thương nhân muốn được cấp giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá cần lập 2 bộ hồ sơ bao gồm: Địa chỉ, diện tích và mô tả khu vực kinh doanh thuốc lá; bản sao tài liệu chứng minh quyền sử dụng địa điểm kinh doanh (là sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng với thời gian tối thiểu 1 năm); bảng kê thiết bị kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong khu vực kinh doanh thuốc lá.
Nếu hồ sơ hợp lệ, sau khi kiểm tra, đối chiếu, trong vòng 15 ngày cơ quan quản lý sẽ cấp giấy phép hoặc không. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan sẽ yêu cầu bổ sung. Người được cấp phép bán lẻ sẽ phải trả phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại: 1.200.000 đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định (đối với khu vực thành phố/thị xã trực thuộc tỉnh) và 200.000 đồng/giấy/lần cấp. Tại các huyện, số tiền này bằng 50%.
Cũng theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP, trường hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, nếu không có giấy phép, thương nhân bán lẻ thuốc lá có thể bị phạt từ 5 triệu - 10 triệu đồng hoặc gấp đôi tùy từng trường hợp.
Nếu căn cứ vào các quy định trên, việc đăng ký cấp phép sẽ rất khó thực hiện triệt để vì đa phần các cơ sở kinh doanh, điểm bán thuốc lá rất nhỏ, chỉ áp dụng được một số đối tượng như quán cà phê, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi. Đó là chưa kể đến, các thủ tục hành chính cũng rất phức tạp và mất thời gian.
Có thể thấy, đây là một dịch vụ công, hoàn toàn thực hiện bằng trực tuyến, nên chăng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, xem xét để tinh giản thủ tục hành chính, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm được các quy định, đồng thời khuyến khích thương nhân tự nguyện đăng ký. Đó gọi là “lạt mềm buộc chặt”. Như vậy, vừa kiểm soát được số lượng điểm bán lẻ thuốc lá, vừa hạn chế tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu buôn bán tràn lan, không kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng để thực hiện các nghiên cứu nhằm kéo giảm tình trạng hút thuốc lá trong tương lai.