Quảng Bình: Dự báo sức mua trong dịp Tết Nguyên đán 2023 tăng khoảng 7-10%
Theo đó, Sở Công Thương Quảng Bình xây dựng kế hoạch triển khai với mục đích nhằm tập trung thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh cuối năm 2022 và dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu... Nắm bắt thông tin thị trường, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Bình, để đảm bảo cân đối cung cầu đủ số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết nguyên đán Quý Mão 2023, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường;
Hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán của các thương nhân phải đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết. Các Siêu thị, Shop tự chọn, cửa hàng bách hóa tổng hợp, quầy hàng, ki ốt tại các chợ kinh doanh hàng Tết phải đảm bảo văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ và đảm bảo an ninh trật tự.
Theo nhận định của Sở Công Thương Quảng Bình, hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh thị trường nước ta có độ mở lớn, chịu tác động ảnh hưởng của thị trường thế giới, nhất là tình hình diễn biến khó lường của xăng dầu, nguồn cung khan hiếm; lãi suất ngân hàng tăng cao gây khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp, thương nhân phân phối hàng hóa; bên cạnh đó thu nhập, đời sống kinh tế của người dân vẫn còn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua, đã tác động đến sức mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Do đó, cần có sự chủ động, có kế hoạch, phương án đảm bảo cung cầu thị trường trong tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình vừa có kế hoạch đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. |
Theo diễn biến của thị trường hàng năm, sức mua của người dân sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm âm lịch; đặc biệt, Tết Nguyên đán năm nay vào thời điểm tháng 01/2023, gần với thời điểm Tết Dương lịch; thị trường càng sôi động khi được kích cầu bởi Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022-Vietnam Grand Sale 2022”, do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 15/11/2022 đến ngày 22/12/2022; dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 7-10% so với Tết Nhâm Dần 2022.
Đồng thời, với tập quán tiêu dùng truyền thống của dân tộc, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu của nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi, tôm tươi...); thực phẩm chế biến (giò, chả, nem...); thực phẩm công nghệ (bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn...); hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt...), hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại... Các nhóm hàng phục vụ trong dịp Tết như: hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị sinh hoạt gia đình, các loại hương, hoa dùng trong ngày Tết dự ước khoảng 1.200 tỷ đồng.
Theo ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, để đảm bảo cho nhân dân đón Tết Quý Mão 2023 đầy đủ, chu đáo, an toàn và tiết kiệm, Sở Công Thương Quảng Bình đã đề nghị các Sở, ngành, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp chủ động tổ chức xây dựng phương án, chương trình và triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chế độ báo cáo về tình hình phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.