Quảng cáo bia rượu: Cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế
Tại tọa đàm, có một số điểm quy định chưa hợp lý trong Dự thảo Nghị định nên đã được các đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra kiến nghị sửa đổi.
Cụ thể, về quy định quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời, các đại biểu đề nghị lựa chọn quy định: Bảo đảm khoảng cách tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục, khuôn viên cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi, trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trong phạm vi trên trước ngày nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng về việc đặt quảng cáo đó hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.
Về quy định: “Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia”, các đại biểu đề nghị chọn quy định: Có một trong các nội dung cảnh báo: "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia".
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị xem xét thêm nội dung mà tất cả các cảnh báo trước đây đều có ghi: “Đã uống rượu bia, không lái xe” để có thể sử dụng được cảnh báo này và tránh lãng phí kinh phí đã đầu tư cho quảng cáo.
Hiện tại, quy định nội dung cảnh báo phải chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo là quá lớn, ảnh hưởng đến tính chất sáng tạo đối với một thiết kế sản phẩm quảng cáo. Do vậy, các đại biểu đề nghị quy định diện tích cảnh báo chiếm từ 5-7% là phù hợp.
Liên quan đến những quy định kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử với nhiều đề xuất được đánh giá là chưa theo kịp đời sống thương mại điện tử và hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thanh Hưng cho rằng: Cần có những quy định phù hợp với các quy định liên quan đến thương mại điện tử cũng như thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, cần ứng dụng khai báo tên, tuổi trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin và khai báo tên người mua, địa chỉ cư trú của người mua, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước khi giao dịch. Bởi, dự thảo yêu cầu khai báo thông tin trước khi người dùng truy cập website không có ý nghĩa trong việc kiểm soát thông tin người dùng, do không có cơ sở để xác thực thông tin nếu người dùng khai báo thông tin không đúng. Hơn nữa, việc yêu cầu người dùng khai báo địa chỉ cư trú chỉ vì họ truy cập, tiếp cận và tìm kiếm thông tin mua hàng, trong khi họ chưa quyết định mua hàng là yêu cầu không phù hợp với quyền thông tin cá nhân, dẫn đến mâu thuẫn với các quy định về an toàn bảo mật thông tin cá nhân.
Thực tế, hầu hết các trang web thương mại điện tử không chỉ bán bia mà còn bán một loạt hàng hóa khác hoặc là một thị trường cho các cửa hàng tiêu dùng. Do đó, một hạn chế được đặt trên một danh mục hàng hóa riêng biệt sẽ ảnh hưởng đến nền tảng rộng hơn của trang thương mại điện tử đó và điều đó sẽ không khả thi trên thực tế hoặc sẽ dẫn đến việc các trang đó phải thiết lập một trang web mới dành riêng cho rượu, bia.