Quảng Nam: Mở cửa du lịch trở lại giúp thị trường bán lẻ tăng doanh thu
Theo Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Quảng Nam, tiếp nối những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua, hoạt động thương mại trên địa bàn Quảng Nam tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực thị trường bán lẻ.
Theo đó, doanh nghiệp và các mạng lưới thị trường bán lẻ đã tích cực ứng dụng các hình thức mua bán trực tuyến, giúp kích cầu tiêu dùng hiệu quả, giữ vững sự liền mạch của nguồn lưu chuyển hàng hóa tạo ra khả năng thích nghi với thị trường tốt.
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 năm nay kéo dài 4 ngày, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hội An đã kín phòng trong dịp lễ. Đây là tín hiệu vui đối với ngành du lịch địa phương, nối tiếp đà tăng trưởng lượng du khách từ đầu năm đến nay.
Cùng xu hướng với dịch vụ du lịch, hoạt động dịch vụ dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí diễn ra khá nhộn nhịp, các nhóm dịch vụ khác tăng trưởng ổn định trừ dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm so với tháng trước do cuối tháng 5 học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè do đó thị trường hàng tiêu dùng, doanh thu bán lẻ có nhiều tín hiệu khả quan.
Hoạt động du lịch tại Quảng Nam mở cửa trở lại tạo ra nhiều tín hiệu vui cho ngành thị trường bán lẻ khi doanh thu 5 tháng đầu năm đạt gần 21 nghìn tỷ đồng |
Theo kết quả điều tra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 5/2022 ước đạt 5.869,9 tỷ đồng, tăng 5,95% so với tháng trước (tăng 20,92% so với cùng kỳ). Trong đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.640 tỷ đồng; doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 1.229,9 tỷ đồng, tăng 5,71% so với tháng trước, so với cùng kỳ tăng 35,87%.
Từ đầu năm đến bay, hoạt động thương mại diễn ra ổn định, thị trường không có biến động bất thường; cùng với đó Quảng Nam được chọn đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022 với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi đã tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động buôn bán trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên 4 thị trường diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá một số nhóm hàng hóa trên thị trường tăng, nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người dân.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (trừ dịch vụ kho bãi vận tải) ước đạt 26.607 tỷ đồng, tăng 8,41% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hàng hoá ước đạt 20.902 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ (trừ dịch vụ vận tải, kho bãi) ước đạt 5.705 tỷ đồng, tăng 11,88% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài những nổi bật của hoạt động thương mại, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 5/2022 ước tính tăng 0,84% so tháng trước và tăng 26,04% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 21,77% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp tiếp tục có chỉ số sản xuất tăng cao góp phần vào làm cho chỉ số sản xuất chung toàn ngành tăng so với cùng kỳ.
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Nam, thời gian tới sở sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngành Công Thương, theo dõi và chủ động tham mưu các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại trên địa bàn như khuyến mại, bán hàng đa cấp, cấp phép mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, gas, rượu bán buôn, thuốc lá bán buôn, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với một số thực phẩm.