Quảng Nam lần đầu tiên tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực xứ Quảng Quảng Nam xử phạt 131 vụ vi phạm khai thác IUU trong năm 2023 |
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn về việc tăng cường công tác quản lý xuất khẩu thủy sản sống qua Trung Quốc.
Thực hiện công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý xuất khẩu thủy sản sống qua Trung Quốc, hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên các đối tượng nuôi xuất khẩu dạng tươi, sống (tôm hùm, cua, ốc hương, tôm sú, tôm thẻ,…) trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương ven biển tăng cường công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý vùng nuôi thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với đối tượng thủy sản xuất khẩu dạng tươi, sống (tôm hùm, cua, ốc hương, tôm sú, tôm thẻ…).
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu tổ chức kiểm dịch, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống đúng quy định. (Ảnh minh họa) |
Triển khai chương trình quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, kịp thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân có biện pháp quản lý môi trường nước ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh trên động vật thuỷ sản. Thực hiện công tác xác nhận đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, nuôi lồng bè theo quy định tại Điều 36, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các địa phương hướng dẫn kỹ thuật, định hướng đối tượng thuỷ sản nuôi; phổ biến áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ giải pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi, vận chuyển, bảo quản để kéo dài thời gian sống, tăng tỷ lệ sống trong quá trình vận chuyển bảo quản đối với thủy sản sống xuất khẩu.
Tăng cường công tác kiểm tra thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản, thủy sản giống nhập vào địa bàn tỉnh, lưu ý thủy sản giống lưu thông phải có giấy chứng nhận kiểm dịch; xử lý, hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm dịch, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống đúng quy định. Chỉ cho phép các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện tiếp tục sản xuất, cung ứng giống; đảm bảo quy trình ương nuôi an toàn dịch bệnh, không sử dụng thuốc, kháng sinh, hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng trong quá trình sản xuất giống thủy sản. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh thuỷ sản; thực hiện chương trình giám sát chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật thuỷ sản khi có dấu hiệu bệnh xảy ra để kịp thời thông báo, hướng dẫn địa phương, người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế lây lan trên diện rộng. Đồng thời, theo dõi tình hình thị trường tiêu thụ với thực tế hoạt động nuôi trồng (đối tượng nuôi, sản lượng, thời điểm thu hoạch, tình hình dịch bệnh) để cảnh báo, khuyến cáo các địa phương, người dân có biện pháp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ thủy sản sau thu hoạch.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, phương án nuôi trồng thủy sản đã đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Đồng thời, chủ động rà soát các khu vực phù hợp khác không nằm trong phạm vi quy hoạch hoặc không ảnh hưởng, mâu thuẫn về mặt không gian với các hoạt động khác đề xuất sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Nghiên cứu, hướng dẫn các cơ sở nuôi thành lập các hội, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ lẫn nhau về kế hoạch sản xuất, biện pháp kỹ thuật, thông tin thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm...