Tỉnh Quảng Ninh- với khoảng 1,36 triệu dân và trên 15,5 triệu khách du lịch mỗi năm, tuy nhiên lượng thực phẩm do Quảng Ninh tự cung cấp chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của toàn tỉnh. Do vậy công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng nhất là vào mỗi dịp Lễ hội, Tết Nguyên đán, mùa du lịch.
Bà Nguyễn Hoài Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, trong những dịp Tết, Lễ hội, các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ thịt, rau xanh, trái cây, bánh, kẹo, rượu, bia, nước ngọt…là loại thực phẩm được sử dụng nhiều. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Lễ hội Xuân, từ trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã tổ chức 3 đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung lấy mẫu xét nghiệm các nhóm hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết, mùa lễ hội.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 lấy mẫu xét nghiệm tại Chợ 3 (Ảnh: SCT) |
Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Sở Công Thương làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số huyện miền núi, biên giới gồm: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu nhằm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý về vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua và mùa Lễ hội Xuân 2024.
Cũng theo bà Nguyễn Hoài Thương, công tác kiểm tra, hậu kiểm cũng là dịp để các cơ quan quản lý tuyên truyền, giáo dục đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã chủ động đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như qua loa phát thanh tại các khu phố, thôn, xóm và tại các chợ trung tâm của các địa phương...
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Siêu thị Winmart Móng Cái (Ảnh: SCT) |
Trong quá trình kiểm tra vừa qua, Đoàn số 2 do Sở Công Thương chủ trì cũng đã nắm bắt tình hình thực phẩm xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại các điểm thông quan, cũng như kiểm tra, giám sát thực phẩm bày bàn tại 10 điểm bán hàng gần khu vực trường học và 02 chợ có kinh doanh thực phẩm. Về cơ bản hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu được giám sát chặt chẽ; có rào chắn, ngăn chặn để không xảy ra hiện tượng hàng hóa được nhập lậu qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Các điểm bán hàng gần cổng trường học đã được các địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát, tuyên truyền thường xuyên nên tại thời điểm kiểm tra, các điểm bán hàng gần trường học đã có nhận thức và không bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bà Nguyễn Hoài Thương chỉ ra, khó khăn nhất hiện nay trong công tác quản lý đó là thiếu nguồn nhân lực tại các tuyến huyện, xã, một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc, điều này đã ảnh hưởng phần nào hiệu quả công việc.
Theo đánh giá, từ nay đến hết tháng Giêng, lưu lượng người dân và du khách thập phương đổ về Quảng Ninh để tham gia các Lễ hội đầu Xuân vẫn đang tăng. Do đó, nhu cầu về nhu yếu phẩm tăng cao, nhất là sử dụng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng, quán ăn, các điểm dừng chân. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa Lễ hội Xuân năm 2024, được biết, các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phòng ngừa từ sớm, từ xa; tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Lễ hội Xuân Yên Tử luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán |
Đồng thời, tập trung phát hiện, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng chất cấm, nguyên liệu kém chất lượng, chất phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc quá thời hạn, liều lượng cho phép trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, điểm du lịch đông người.
Được biết qua đợt kiểm tra, Quảng Ninh đã phát hiện nhiều cơ sở, cá nhân là chủ các cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn: Quảng Yên, Đông Triều, Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Đầm Hà, Cô Tô vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu là để dụng cụ thu gom chất thải không nắp đậy; nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang bảo hộ theo quy định; kho bảo quản không đầy đủ giá kệ; khu vực sản xuất, chế biến có côn trùng, động vật xâm nhập; không phân loại, bảo quản riêng nguyên liệu thành phẩm hết hạn sử dụng với nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, kinh doanh. |