Tận dụng thị trường nội tỉnh
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nông sản bị thu hẹp do tác động từ dịch bệnh, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, UBND các địa phương kết nối tiêu thụ trên 90,8 nghìn tấn sản phẩm nông sản, thủy sản. Sở Công Thương phối hợp đưa 41 mặt hàng “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị; Hội Nông dân tỉnh phối hợp với công đoàn các cấp kêu gọi đoàn viên đăng ký tiêu thụ nông sản...
Sản phẩm nông nghiệp của Quảng Ninh có đầu ra tương đối ổn định |
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tích cực hỗ trợ người nông dân, trong đó, phải kể đến các đơn vị ngành than, khu công nghiệp trên địa bàn đã thu mua nông sản số lượng lớn để đưa vào bếp ăn phục vụ cán bộ, công nhân lao động (CBCNLĐ) và kêu gọi CBCNLĐ đăng ký mua nông sản địa phương. Ngoài ra, Sở Công Thương còn thường xuyên cập nhật danh sách các sản phẩm, chi tiết về số lượng, địa chỉ, số điện thoại... của các chủ hộ, hợp tác xã có nông sản cần được tiêu thụ qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử các địa phương...
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết, xây dựng chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đã phát huy hiệu quả. Nhờ những giải pháp trên, nông sản của tỉnh không rơi vào tình trạng ứ đọng, không tiêu thụ được...
Ứng dụng công nghệ quảng bá và bán sản phẩm
Tại thị xã Đông Triều, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, dự đoán tiêu thụ nông sản tiếp tục khó khăn, thị xã đã chỉ đạo các phòng chức năng thường xuyên nắm kế hoạch sản xuất của từng loại sản phẩm, nhất là những sản phẩm nông nghiệp truyền thống của nông dân địa phương, đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tiêu thụ sản phẩm hiệu quả nhất cho người dân. Theo ông Nguyễn Văn Công - Bí thư Thị ủy Đông Triều, trước khi vào vụ thu hoạch na, thị xã đã nhanh chóng xây dựng, đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử (TMĐT) của riêng địa phương là Đông Triều Mart (//dongtrieumart.vn); tổ chức bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội... Nhờ đó, đến nay đã có trên 6 nghìn tấn na dai được tiêu thụ, chiếm khoảng 90% sản lượng na trên địa bàn.
Đáng chú ý, nhiều nông sản Quảng Ninh đã có mặt trên các sàn TMĐT lớn trong nước. Theo Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tỉnh Quảng Ninh, hiện, đã có 223 nông sản của Quảng Ninh đang được tăng tải trên sàn giao dịch TMĐT //thuonghieuquangninh.gov.vn/; //teqni.gov.vn. Cùng với đó, hình thức tiêu thụ qua các kênh bán hàng online như: Facebook, zalo... bước đầu cũng đạt được một số hiệu quả nhất định.
Theo lãnh đạo ngành Công Thương Quảng Ninh, để chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Sở sẽ tiếp tục triển khai hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản cho người dân; đẩy mạnh liên kết đào tạo, tập huấn cho người nông dân về kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng online. Cùng với việc tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, Quảng Ninh cũng chú trọng tìm kiếm, tiếp cận, kết nối với thị trường xuất khẩu đối tác lớn Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định…
Có thể nhận thấy, qua cách làm bài bản của tỉnh Quảng Ninh, người nông dân yên tâm lao động sản xuất, sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi trong mùa dịch. |